Hôm nay, Thứ ba ngày 07/05/2024,

Phê duyệt quy hoạch phân khu khu đô thị hiện hữu 1-1-B, 1-1-C trong quy hoạch chung đô thị Ninh Bình đến năm 2030 tầm nhìn 2050.

Thứ ba, 18/04/2017
  • Đánh giá cho bài viết:
  • 0 điểm ( 0 đánh giá )

 

Phê duyệt quy hoạch phân khu khu đô thị hiện hữu 1-1-B, 1-1-C trong quy hoạch chung đô thị Ninh Bình đến năm 2030 tầm nhìn 2050

Quy hoạch phân khu khu đô thị hiện hữu 1-1-B, 1-1-C trong quy hoạch chung đô thị Ninh Bình đến năm 2030 tầm nhìn 2050 do Sở Xây dựng Ninh Bình làm chủ đầu tư, thực hiện lập quy hoạch từ năm 2016.

Quy hoạch do Viện Kiến trúc Quốc gia tư vấn thực hiện. Quy hoạch được tổ chức lập, thẩm định và phê duyệt tuân thủ theo các quy định về trình tự của Luật Quy hoạch đô thị và các nghị định, thông tư có liên quan.

Ngày 14/04/2017, UBND tỉnh Ninh Bình phê duyệt duyệt quy hoạch phân khu khu đô thị hiện hữu 1-1-B, 1-1-C trong quy hoạch chung đô thị Ninh Bình đến năm 2030 tầm nhìn 2050

Tổng diện tích lập quy hoạch khoảng 1.247,52 ha. Cụ thể:

Phân khu đô thị 1-1-B có diện tích là 753,28 ha, gồm toàn bộ các phường Nam Thành, Phúc Thành, Vân Giang, Thanh Bình và một phần các phường Đông Thành, Tân Thành, Nam Bình, Bích Đào, Ninh Phong của thành phố Ninh Bình, có giới hạn như sau:

- Phía Đông giáp Đường Lý Nhân Tông và đường sắt Bắc Nam;

- Phía Tây giáp kênh Đô Thiên;

- Phía Bắc giáp đường Xuân Thành, đường Lương Văn Thăng;

- Phía Nam giáp QL1A và đường sắt Bắc Nam.

Phân khu đô thị 1-1-C có diện tích là 494,24 ha, gồm toàn bộ xã Ninh Tiến và một phần xã Ninh Nhất, phường Ninh Phong, phường Nam Thành của thành phố Ninh Bình, có giới hạn như sau:

-  Phía Đông giáp kênh Đô Thiên;

-  Phía Tây giáp đường Nguyễn Minh Không (đường QL1 tránh thành phố Ninh Bình);

-  Phía Nam giáp sông Chanh;

-  Phía Bắc giáp đường Xuân Thành.

Tính chất, chức năng của khu quy hoạch phân khu khu đô thị hiện hữu được xác định là: Trung tâm hành chính, chính trị, kinh tế, y tế, giáo dục, đào tạo, văn hóa, thể thao, du lịch và dịch vụ của thành phố Ninh Bình và toàn tỉnh; Hiện đại hóa khu đô thị trung tâm (khu nội thị hiện hữu), trong đó nghiên cứu đến ven bờ sông Đáy và thiết kế, chỉnh trang nhà ở đô thị, khu công viên cây xanh, trọng điểm văn hóa hợp lý.Lấy sông Vân làm trọng điểm, cùng với hệ thống các sông Chanh, hệ thống kênh Đô Thiên hình thành mạng lưới giao thông đường thủy kết nối khu vực đô thị và Quần thể danh thắng Tràng An.

Về Định hướng không gian kiến trúc cảnh quan:

- Cải tạo khu vực dân cư đô thị: Khu dân cư đô thị hiện hữu: Là khu dân cư đô thị của thành phố Ninh Bình, thành phần chủ yếu trong khu vực lập quy hoạch. Phát triển theo hướng cải tạo, chỉnh trang khu dân cư đô thị, hạn chế tăng mật độ dân cư, công trình dịch vụ hỗn hợp có tầng cao tối đa phù hợp cảnh quan chung khu vực và các quy định quản lý không gian, kiến trúc cảnh quan. Cải tạo, bổ sung, hoàn thiện hệ thống hạ tầng đô thị; bổ sung các tiện ích đô thị, tăng diện tích và mật độ cây xanh, khu thể dục thể thao, chỉnh trang công trình kiến trúc theo hướng hiện đại. Tiếp tục thực hiện các quy hoạch chi tiết đô thị đã được phê duyệt. Khu dân cư làng xóm, khu vực đô thị hóa tập trung tại các thôn, xóm thuộc xã Ninh Tiến, xã Ninh Nhất: Cải tạo, chỉnh trang theo hướng giữ gìn bản sắc, hình thái dân cư làng xóm nông thôn với mật độ xây dựng thấp, khống chế tầng cao tối đa 3 tầng (một số khu vực có thể tăng chiều cao tầng nhưng không quá 6 tầng), tăng cường mật độ cây xanh và diện tích các lô đất ở lớn. Cải tạo, nâng cấp, bổ sung hệ thống cơ sở hạ tầng cho khu dân cư để nâng cao chất lượng sống dân cư theo hướng bền vững.

- Phát triển hạ tầng xã hội: Kế thừa hệ thống và thiết chế quản lý công trình công cộng cấp đơn vị ở hiện có, hoàn thiện các công trình theo quy hoạch chi tiết được phê duyệt, giữ các quỹ đất công trình công cộng, cây xanh... xác định theo các quy hoạch đã được phê duyệt. Các khu vực quy hoạch xây dựng mới, đảm bảo quỹ đất công cộng phục vụ dân cư khu quy hoạch và các khu vực lân cận. Hệ thống các công trình hạ tầng xã hội cấp đô thị, cấp tỉnh: Đẩy nhanh tiến độ xây dựng, nâng cấp các công trình y tế cấp tỉnh, hoàn hiện cơ sở vật chất các trường đào tạo, dạy nghề.

- Phát triển hệ thống dịch vụ, thương mại, du lịch:Cải tạo, nâng cấp hệ thống các công trình dịch vụ, thương mại hiện hữu; từng bước cải tạo nâng cấp, chuyển đổi các khu vực chợ truyền thống thành hệ thống các siêu thị, khu thương mại có quy mô vừa và nhỏ. Chuyển đổi tính chất sử dụng đất các cơ sở sản xuất, kinh doanh gây ảnh hưởng đến môi trường thành các khu trung tâm dịch vụ, thương mại và du lịch kết hợp ở để thu hút các dự án đầu tư có hiệu quả kinh tế, xã hội, phát triển bền vững, phục vụ nhu cầu của đô thị. Phát triển khu dịch vụ hỗn hợp trên tuyến đường Quốc lộ 1 tránh thành phố Ninh Bình tại xã Ninh Thắng. Xây dựng chợ đầu mối tại xã Ninh Tiến.

- Phân khu quy hoạch: Toàn bộ khu vực nghiên cứu chia thành 10 tiểu khu trong đó:

+ Phân khu 1-1-B chia làm 07 Tiểu khu (ký hiệu I, II, III, IV, V, VI và VII) theo địa giới hành chính của các phường. Bổ sung hạ tầng xã hội theo các đơn vị ở là tiểu khu, đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu của từng tiểu khu. Tận dụng hệ thống công cộng hiện hữu, bổ sung các cơ sở còn thiếu theo chỉ tiêu.

+ Phân khu 1-1-C chia làm 03 Tiểu khu (ký hiệu VIII, IX và X) theo địa giới hành chính của các phường, xã. Bổ sung hạ tầng xã hội theo các đơn vị ở là tiểu khu. Tận dụng hệ thống công cộng hiện hữu, bổ sung các cơ sở còn thiếu theo chỉ tiêu.

Việc quản lý hoạt động xây dựng trong phạm vi quy hoạch phải tuân thủ Quy hoạch, Quy định quản lý theo đồ án Quy hoạch phân khu Khu đô thị hiện hữu 1-1-B, 1-1-C trong Quy hoạch chung Đô thị Ninh Bình đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đồng thời tuân thủ các quy định hiện hành của Nhà nước và tỉnh Ninh Bình, các Quy chuẩn xây dựng Việt Nam, Tiêu chuẩn thiết kế chuyên ngành. Việc điều chỉnh, thay đổi, bổ sung quy hoạch phải được thực hiện theo đúng quy định pháp luật.

 

 

Bài viết khác

Thống kê truy cập
384652

Trực tuyến : 3

Hôm nay : 403

Hôm qua : 459