Hôm nay, Chủ nhật ngày 15/09/2024,

Lấy ý kiến về Nhiệm vụ Điều chỉnh Quy hoạch phân khu Các khu vực 1-1-A, 1-3-A, 1-3-B, 1-3-C, trong quy hoạch chung đô thị Ninh Bình đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050

Thứ tư, 29/09/2021
  • Đánh giá cho bài viết:
  • 0 điểm ( 0 đánh giá )

Thực hiện nhiệm vụ UBND tỉnh giao tại Quyết định số 26/QĐ-UBND ngày 12/01/2021 của UBND tỉnh về Ban hành chương trình công tác năm 2021. Căn cứ theo quy định tại Điều 20 và 21, Luật Quy hoạch đô thị số 30/2009/QH12 về lấy ý kiến về quy hoạch đô thị, Sở Xây dựng tổ chức xin ý kiến cộng đồng dân cư về hồ sơ với Nhiệm vụ Nhiệm vụ Điều chỉnh Quy hoạch phân khu Các khu vực 1-1-A, 1-3-A, 1-3-B, 1-3-C, trong quy hoạch chung đô thị Ninh Bình đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Hình ảnh: Sơ đồ vị trí lập quy hoạch

Một số nội dung chính như sau:

I. TÊN QUY HOẠCH

Điều chỉnh Quy hoạch phân khu Các khu vực 1-1-A, 1-3-A, 1-3-B, 1-3-C, trong quy hoạch chung đô thị Ninh Bình đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

II. PHẠM VI VÀ QUY MÔ ĐIỀU CHỈNH QUY HOẠCH

Phạm vi lập điều chỉnh quy hoạch phân khu các khu vực 1-3-A, 1-3-A, 1-3-B, 1-3-C trong Quy hoạch chung đô thị Ninh Bình đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo phạm vi quy hoạch phân khu đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 381/QĐ-UBND ngày 24/4/2015; Quy mô diện tích lập điều chỉnh quy hoạch khoảng 3.257,25 ha.

Phạm vi ranh giới, quy mô các phân khu cụ thể như sau:

1. Phân khu khu vực 1-1-A: Thuộc một phần địa giới hành chính phường Ninh Khánh, phường Đông Thành, phường Tân Thành, xã Ninh Nhất của thành phố Ninh Bình. Giới hạn cụ thể như sau:

- Phía Đông  :   Giáp sông Đáy;

- Phía Tây    :   Giáp đường tránh QL1A;

- Phía Nam   :   Giáp đường Xuân Thành và QL10;

- Phía Bắc    :   Giáp đường Vạn Hạnh.

2. Phạm vi nghiên cứu lập quy hoạch phân khu khu vực 1-3-A:

Thuộc một phần địa giới hành chính xã Ninh Giang, Ninh Hòa, Trường Yên, thị trấn Thiên Tôn của huyện Hoa Lư. Giới hạn cụ thể như sau:

-  Phía Đông :   Giáp sông Đáy;

-  Phía Tây   :   Giáp đường 477 kéo dài;

-  Phía Nam  :   Giáp QL 38B;

-  Phía Bắc   :   Giáp sông Hoàng Long.        

3. Phạm vi nghiên cứu lập quy hoạch phân khu khu vực 1-3-B:

Thuộc một phần địa giới hành chính thị trấn Thiên Tôn, xã Ninh Mỹ, Ninh Hòa của huyện Hoa Lư; một phần địa giới hành chính xã Ninh Nhất, phường Ninh Khánh của thành phố Ninh Bình. Giới hạn cụ thể như sau:

-  Phía Đông :   Giáp đường Trần Hưng Đạo;

-  Phía Tây   :   Giáp đường tránh QL1A;

-  Phía Nam  :   Giáp đường Vạn Hạnh;

-  Phía Bắc   :   Giáp QL 38B.

4. Phạm vi nghiên cứu lập quy hoạch phân khu khu vực 1-3-C:

Thuộc một phần địa giới hành chính phường Ninh Khánh của thành phố Ninh Bình; một phần địa giới hành chính thị trấn Thiên Tôn, xã Ninh Khang, xã Ninh Giang, xã Ninh Mỹ của huyện Hoa Lư, xã Gia Tân huyện Gia Viễn.

-  Phía Đông :   Giáp sông Đáy;

-  Phía Tây   :   Giáp QL1A cũ và đường Phạm Hùng;

-  Phía Nam  :   Giáp đường Vạn Hạnh và đường Lưu Cơ kéo dài;

-  Phía Bắc   :   Giáp QL 38B

(Ranh giới, quy mô các phân khu được xác định theo quy hoạch phân khu các khu vực 1-3-A, 1-3-A, 1-3-B, 1-3-C trong Quy hoạch chung đô thị Ninh Bình đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050)

III. TÍNH CHẤT QUY HOẠCH

- Trung tâm hành chính, chính trị, kinh tế, y tế, giáo dục, văn hóa, thể thao, du lịch và dịch vụ của tỉnh và đô thị Ninh Bình;

- Là một trong các khu vực phát triển chính của của Đô thị Ninh Bình đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, với đa dạng loại hình công trình đô thị và đồng bộ chất lượng hạ tầng đô thị.

- Cửa ngõ phía Bắc của đô thị Ninh Bình, một trong các cửa ngõ quan trọng nối Đô thị với Khu quần thể danh thắng Tràng An và Cố đô Hoa Lư;

- Khu vực đô thị hiện trạng cải tạo kết hợp với phát triển mới, khai thác cấu trúc cảnh quan thiên nhiên sơn thuỷ và văn hoá định cư truyền thống.

- Khu vực đô thị có có cảnh quan hấp dẫn, có khoảng cách gần đến trung tâm thành phố, có cảnh quan mặt nước lớn, phù hợp phát triển ở mật độ trung bình và cao, với không gian dịch vụ đô thị tổng hợp.

VI. CHỈ TIÊU KINH TẾ KỸ THUẬT CHÍNH ÁP DỤNG

1. Dự báo phát triển

- Diện tích tự nhiên khoảng 3.257,26 ha;

- Diện tích đất xây dựng khoảng: 3.100 - 3.200 ha (trong đó: đất đơn vị ở khoảng 1.220 ha; đất xây dựng ngoài đơn vị ở khoảng 1.980 ha);

- Dân số: Khoảng 180.000 – 210.000 người

(Dự báo dân số từng phân khu sẽ được xác định cụ thể trong quá trình nghiên cứu lập điều chỉnh quy hoạch phân khu phù hợp với Đồ án Quy hoạch chung đô thị Ninh Bình)

2. Chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật chính áp dụng

Chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật chính của phân khu đã được phê duyệt trong Quy hoạch chung tương đương với chỉ tiêu đô thị loại I, tuân thủ theo tiêu chuẩn, quy chuẩn quy định hiện hành. Các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật chính sẽ được điều chỉnh, cân đối trong quá trình lập quy hoạch, phù hợp, tuân thủ Quy chuẩn xây dựng Việt Nam, tiêu chuẩn thiết kế chuyên ngành.

V. CÁC YÊU CẦU NỘI DUNG NGHIÊN CỨU LẬP QUY HOẠCH

1. Phân tích, đánh giá hiện trạng

- Phân tích đánh giá nhận dạng đặc điểm tự nhiên, hiện trạng  theo phương pháp SWOT (thuận lợi, khó khăn, cơ hội, thách thức), trên cơ sở số liệu thống kê tổng hợp và các số liệu thu thập về: Sử dụng đất (xác định bởi đường khu vực); Hạ tầng xã hội; Kiến trúc cảnh quan; Hạ tầng kỹ thuật và các đồ án, dự án xây dựng đã được cấp thẩm quyền phê duyệt; Xác định những vấn đề cần giải quyết trong phân khu quy hoạch.

- Trên cơ sở cập nhật bản đồ khảo sát hiện trạng khu vực lập quy hoạch, thực hiện điều tra đánh giá các vấn đề hiện trạng của khu vực lập quy hoạch, xác định các tồn tại phát sinh của bất cập của quy hoạch đã được phê duyệt đối với vấn đề thực trạng.

- Rà soát đánh giá các đồ án, dự án hiện có trên địa bàn, cập nhật các định hướng mới của thành phố Ninh Bình, huyện Hoa Lư đối với khu vực quy hoạch để xác định các yêu cầu mới cần phải xem xét điều chỉnh quy hoạch.

2. Quy hoạch sử dụng đất đai

- Đề xuất quy hoạch sử dụng đất cho từng khu chức năng theo cơ cấu được xác định. Tính toán và xác định các chỉ tiêu quy hoạch, quy mô sử dụng cho từng lô đất nhằm phục vụ công tác quản lý, kiểm soát phát triển. Quy hoạch sử dụng đất phù hợp với định hướng quy hoạch chung đô thị Ninh Bình. Điều chỉnh, bổ sung, sắp xếp các khu chức năng, các chỉ tiêu sử dụng đất đối với các khu vực không phù hợp với thực tế phát triển và yêu cầu quản lý phát triển đô thị. Khai thác hiệu quả khu vực hai bên đường Đinh Tiên Hoàng, ven sông Đáy, sắp xếp, điều chỉnh các quỹ đất cơ quan (sau khi di chuyển về trung tâm hành chính tập trung tỉnh) tạo động lực phát triển đô thị; quy hoạch các khu vực tạo động lực phát triển đô thị; quy hoạch các khu vực thực hiện các dự án đô thị đồng bộ, các khu nhà ở xã hội, các khu tái định cư.

- Xác định các chỉ tiêu sử dụng đất chính bao gồm quy mô phục vụ, diện tích đất, mật độ xây dựng, hệ số sử dụng đất, tầng cao xây dựng, tỷ lệ cây xanh, diện tích sàn ... cho các lô đất xây dựng theo các khu chức năng. Lập các bảng biểu chỉ tiêu, bảng cân bằng sử dụng đất và xác định hệ thống số liệu sử dụng đất.

- Đề xuất quy định quản lý sử dụng đất nhằm đảm bảo khai thác hiệu quả đầu tư và đáp ứng các nhu cầu phát triển trong tương lai.

3. Tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan

- Trên cơ sở định hướng của quy hoạch chung, giải pháp tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan trong đồ án quy hoạch  phân khu đã được phê duyệt, thực hiện rà soát, đánh giá tổng thể, kế thừa các nội dung còn phù hợp, điều chỉnh các nội dung bất cập để đảm bảo sự phù hợp với thực tế phát triển tại khu vực, tạo sự linh hoạt trong quản lý phát triển đô thị.

- Kết nối liên thông các khu vực chức năng để đảm bảo hoạt động được liên tục, khai thác hỗ trợ chung các tiện ích công cộng, xác định rõ các khu vực phục vụ công nghiệp, các khu vực phục vụ dân cư, các khu vực hỗ trợ du lịch và các khu vực khai thác sử dụng chung.

- Tổ chức không gian các khu vực chức năng theo đặc thù hoạt động với các giải pháp về mật độ xây dựng, khối công trình, chiều cao xây dựng, không gian mở. Khai thác hiệu quả các khu vực tự nhiện có, hệ thống ao hồ, sông, kênh đào tại khu vực. Cải tạo chỉnh trang các khu vực đô thị hiện hữu.

- Thiết lập bố cục không gian kiến trúc cảnh quan cho các khu chức năng, đề xuất và mô tả hình ảnh không gian quy hoạch, cảnh quan tổng thể gắn kết với các khu vực liền kề. Nghiên cứu khu vực xây dựng hiện hữu, các dự án đã có, tổ chức khớp nối, gắn kết theo định hướng quy hoạch chung đề ra.

- Đề xuất liên kết không gian trọng tâm các Phân khu theo các điểm - tuyến - diện đã xác định trong quy hoạch chung. Nghiên cứu đề xuất mô hình tổ hợp khối kiến trúc công trình phù hợp với công năng sử dụng, khí hậu địa phương và tiết kiệm năng lượng. Tổ chức không gian các công trình điểm nhấn đô thị (trung tâm hành chính tập trung tỉnh, Bảo tàng – thư viện, nhà hát cấp tỉnh,…); khu trung tâm thương mại dịch vụ (khu CBD, hai bên đường Đinh Tiên Hoàng, khu vực trung tâm đô thị  phía Bắc,…).

- Đề xuất bố cục không gian kiến trúc cảnh quan theo từng khu vực chức năng, theo các trục không gian; đề xuất tổ chức không gian cho các khu trung tâm, các trục không gian chính, quảng trường lớn, không gian cây xanh, mặt nước và điểm nhấn... Các liên kết về giao thông và hạ tầng kỹ thuật giữa các khu vực. Định hướng không gian khu trung tâm đô thị Ninh Bình (khu quảng trường, công viên văn hóa, bảo tàng, khu trụ sở Tỉnh ủy…), các trục không gian theo hướng Bắc -Nam và Đông – Tây,), không gian đô thị ven sông Đáy, các giải pháp kết nối hệ thống mặt nước (hồ Kỳ Lân, kênh Đô Thiên,…).

- Tổ chức, bố trí các công trình chức năng theo nguyên tắc tổ chức mạng lưới tầng bậc, theo phân cấp, đảm bảo khả năng tiếp cận của người dân, bán kính phục vị thuận lợi và tăng cường các tiện ích công cộng.

4. Thiết kế đô thị

- Nghiên cứu và đề xuất các giải pháp thiết kế đô thị; Xác định các khu vực phải khống chế và kiểm soát xây dựng bao gồm các không gian trọng tâm, trọng điểm và các không gian đặc trưng trong phân khu quy hoạch. Lựa chọn không gian chủ đạo (Khu dịch vụ du lịch, thương mại, không gian mở, các cửa ngõ, các trục không gian, điểm nhìn đẹp...), lựa chọn các điểm nhấn của đô thị; tổ chức không gian đường Đinh Tiên Hoàng và khu vực ven sông Đáy; khu trung tâm hành chính hiện hữu khu vực phường Đông Thành, khu vực đường Lê Hồng Phong, đường QL1 đoạn tránh thành phố Ninh Bình.

- Đề xuất cụ thể về thiết kế tầng cao, hình khối kiến trúc, màu sắc, ánh sáng và các quy định về quản lý kiến trúc cảnh quan cho toàn bộ Phân khu. Không gian các khu vực dân cư đô thị hiện hữu và các khu vực phát triển mới.

- Kết nối hài hòa giữa không gian nhân tạo và không gian tự nhiên để tạo nên môi trường đô thị sinh thái và phát triển bền vững. Tôn trọng điều kiện địa hình tự nhiên, kế thừa phát huy giá trị cảnh quan thiên nhiên trong phối kết không gian quy hoạch kiến trúc cảnh quan. Xác định các khu vực có giá trị cảnh quan để bảo vệ và khai thác tạo lập cảnh quan không gian khu vực.

5. Quy hoạch hệ thống hạ tầng kĩ thuật

Rà soát điều chỉnh các giải pháp quy hoạch hạ tầng kỹ thuật của khu vực đảm bảo tổng thể phát triển với đô thị Ninh Bình, kết nối hạ tầng với các khu vực lân cận, phù hợp với điều chỉnh không gian và chức năng sử dụng đất, đáp ứng các tiêu chí đô thị loại I, thiết kế xanh và ứng phó với biến đổi khí hậu:

a) Giao thông : Định hướng và tổ chức hệ thống giao thông, phân loại và phân cấp các tuyến đường đối ngoại và nội bộ. Xác định vị trí, quy mô, số lượng, các chỉ tiêu kỹ thuật cho loại hình giao thông. Thiết kế mạng lưới, quy mô, cấp hạng các tuyến đường. Công trình giao thông trong đô thị khác như  các bãi đỗ xe, quảng trường, cầu và cống đường bộ…; quy hoạch hệ thống giao thông kết nối với mạng lưới giao thông hiện có. Xác định các trục giao thông chính trên cơ sở các tuyến giao thông hiện hữu (đường Đinh Tiên Hoàng, đường Trần Hưng Đạo, QL38B, đường Trịnh Tú,….).

b) San nền: Xác định cao độ khống chế xây dựng cho các khu vực chức năng của các khu chức năng và các trục giao thông chính, dự báo khối lượng san nền, đào đắp. Đề xuất các giải pháp san nền và cao trình chuẩn bị kỹ thuật phù hợp với từng khu vực. Nghiên cứu giải pháp phòng chống ngập úng, khả năng ngập lũ do biến đổi khí hậu.

c) Thoát nước mưa: Xác định các lưu vực thoát nước chính, hệ thống cống thoát nước mưa chính và các hồ dự kiến xây dựng, giải pháp thoát nước mưa tổng thể, mạng lưới thoát nước mưa trong ranh giới quy hoạch và các điểm đấu nối nằm ngoài ranh giới. Hệ thống thoát nước các khu vực xây dựng phải đồng bộ với hệ thống thoát nước hiện có. Đề xuất giải pháp phòng tránh và giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai (lũ quét, bão, lũ, mực nước nội đồng, sông….).

d) Cấp điện, chiếu sáng: Chỉ tiêu cấp điện áp dụng theo từng loại hình sử dụng điện. Tính toán nhu cầu sử dụng điện năng của toàn khu vực và từng nhóm công trình. Thiết kế phương án cấp điện bao gồm nguồn điện, lưới điện trung thế, hạ thế, trạm biến áp phân phối. Tính toán, nghiên cứu các giải pháp chiếu sáng công cộng.

e) Cấp nước: Tiêu chuẩn cấp nước: căn cứ áp dụng theo tính chất để xác định chỉ tiêu cụ thể cho từng loại hình công trình sử dụng nước. Xác định các giải pháp cấp nước bao gồm nguồn nước, vị trí quy mô công trình đầu mối cấp nước và kiến nghị bổ sung hoặc điều chỉnh nếu cần so với các công trình dự kiến trong quy hoạch chung. Thiết kế mạng đường ống cấp nước từ công trình đầu mối về từng cụm công trình. Tính toán thuỷ lực hệ thống mạng lưới đường ống cấp nước, mạng lưới phân phối: chiều dài, đường kính, các họng cứu hoả.

f) Thoát nước thải, quản lý chất thải rắn và  nghĩa trang: Xác định chỉ tiêu, dự báo tổng lượng nước thải, chất thải rắn;  Đề xuất thiết kế mạng lưới thoát nước thải theo mô hình thoát nước riêng; phương án cụ thể cho hệ thống cống, trạm bơm, trạm xử lý. Nghiên cứu giải pháp thu gom và xử lý CTR. Rà soát vị trí khu trạm xử lý nước thải cho phù hợp với định hướng phát triển đô thị.

6. Đánh giá môi trường chiến lược

Dự báo các tác động tích cực, tiêu cực đến môi trường do phương án quy hoạch và các hoạt động phát triển kinh tế xã hội gây ra. Đề xuất các giải pháp giải quyết các vấn đề môi trường còn tồn tại trong đồ án quy hoạch. Xác định các biện pháp phòng ngừa, giảm thiểu tác động và quản lý, giám sát môi trường. Đề xuất các giải pháp để đảm bảo phát triển bền vững.

7. Kinh tế xây dựng và phân kỳ đầu tư

Phân tích và đề xuất lộ trình và các giai đoạn đầu tư  phát triển khu vực theo từng giai đoạn. Xác định danh mục các dự án triển khai giai đoạn đến năm 2030.

8. Quy định quản lý theo đồ án quy hoạch phân khu

- Đề xuất quy định quản lý quy hoạch kiến trúc, hoạt động xây dựng phù hợp đồ án quy hoạch và tuân thủ các quy định pháp luật có liên quan, làm cơ sở pháp lý cho công tác quản lý đầu tư xây dựng trên địa bàn khu quy hoạch. Quy định quản lý bao gồm các quy định chung, quy định cụ thể và quy định về tổ chức thực hiện.

- Quy định chung: Xác định đối tượng áp dụng, phân công quản lý thực hiện; Ranh giới, quy mô diện tích, tính chất khu vực lập quy hoạch; Các quy định chủ yếu về kết nối giữa hệ thống hạ tầng kỹ thuật trong khu vực với hệ thống hạ tầng kỹ thuật chung của khu vực.

- Quy định cụ thể: Ranh giới, quy mô diện tích, quy định về chỉ tiêu sử dụng đất quy hoạch đô thị, nguyên tắc kiểm soát phát triển, quản lý về không gian, kiến trúc; yêu cầu hạ tầng kỹ thuật đối với từng ô quy hoạch; Quy định chỉ giới đường đỏ, phạm vi bảo vệ, hành lang an toàn công trình hạ tầng kỹ thuật và công trình ngầm (nếu có); Quy định về nguyên tắc tổ chức không gian, kiến trúc, cảnh quan đối với trục đường chính, không gian mở, điểm nhấn, công viên cây xanh.

- Quy định về tổ chức thực hiện: Đề xuất các quy định về phân công trách nhiệm quản lý thực hiện quy hoạch, các quy định về khen thưởng, xử phạt vi phạm và các quy định khác có liên quan.

VI. THÀNH PHẦN HỒ SƠ

Thành phần hồ sơ đồ án quy hoạch thực hiện theo Nghị định số 37/2010/NĐ-CP ngày 07/4/2010 của Chính phủ về lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch đô thị; Theo Thông tư số 12/2016/TT-BXD ngày 29/6/2016 của Bộ Xây dựng Quy định về hồ sơ của nhiệm vụ và đồ án quy hoạch xây dựng vùng, quy hoạch đô thị và quy hoạch khu chức năng đặc thù.

VII. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

- Cơ quan phê duyệt: Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình

- Cơ quan thẩm định:  Sở Xây dựng Ninh Bình.

- Đơn vị lập quy hoạch: Đơn vị tư vấn đảm bảo đủ năng lực theo quy định.

- Thời gian lập quy hoạch: Không quá 09 tháng kể từ ngày nhiệm vụ quy hoạch được phê duyệt.

Link tải file Hồ sơ Nhiệm vụ Điều chỉnh Quy hoạch phân khu Các khu vực 1-1-A, 1-3-A, 1-3-B, 1-3-C, trong quy hoạch chung đô thị Ninh Bình đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và phiếu lấy ý kiến:

https://www.mediafire.com/file/olw6h1qtm5cd3yx/Nhiem_vu_phia_Bac.rar/file

Địa chỉ nhận Phiếu góp ý kiến xin gửi về địa chỉ:

- Sở Xây dựng, số 15 đường Trần Hưng Đạo, thành phố Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình

- Hòm thư: chault.xd@ninhbinh.gov.vn

Bài viết khác

Thống kê truy cập
426815

Trực tuyến : 3

Hôm nay : 156

Hôm qua : 242