Thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh tại Văn bản số 89/UBND-VP4 ngày 13/02/2023 về việc triển khai thủ tục đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung đô thị Ninh Bình đến năm 2040; Sở Xây dựng đã triển khai lập đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung đô thị Ninh Bình theo nhiệm vụ đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 63/QĐ-TTg ngày 08/02/2023
Căn cứ theo quy định tại Điều 20 và 21, Luật Quy hoạch đô thị số 30/2009/QH12 về lấy ý kiến về quy hoạch đô thị, Sở Xây dựng tổ chức xin ý kiến cộng đồng dân cư về hồ sơ với đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung đô thị Ninh Bình đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050.
Một số nội dung chính như sau:
1. Tên quy hoạch
Điều chỉnh Quy hoạch chung Đô thị Ninh Bình đến năm 2040.
Hình ảnh: Vị trí và phạm vi lập điều chỉnh QHC đô thị Ninh Bình
2. Phạm vi, quy mô lập
a) Phạm vi, ranh giới lập quy hoạch:
Phạm vi, ranh giới phạm vi lập điều chỉnh Quy hoạch chung gồm phạm vi đồ án Quy hoạch chung đô thị Ninh Bình đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1266/QĐ-TTg ngày 28 tháng 7 năm 2014 và bổ sung mở rộng khu vực lập quy hoạch về phía Tây đến khu vực sông Bến Đang và quốc lộ 12B bao gồm toàn bộ địa giới hành chính thành phố Ninh Bình và huyện Hoa Lư; xã Gia Sinh, xã Gia Tân thuộc huyện Gia Viễn; xã Mai Sơn thuộc huyện Yên Mô; xã Khánh Hòa, Khánh Phú thuộc huyện Yên Khánh; một phần ranh giới hành chính xã Yên Sơn và phường Tân Bình, thuộc thành phố Tam Điệp; xã Sơn Lai, xã Sơn Hà, xã Quỳnh Lưu thuộc huyện Nho Quan. Ranh giới cụ thể như sau:
- Phía Bắc giáp huyện Gia Viễn;
- Phía Nam giáp thành phố Tam Điệp, huyện Yên Mô và huyện Yên Khánh;
- Phía Tây giáp sông Bến Đang, quốc lộ 12B và phần còn lại của huyện Nho Quan, thành phố Tam Điệp;
- Phía Đông giáp sông Đáy và tỉnh Nam Định.
b) Quy mô lập quy hoạch: khoảng 23.242 ha
3. Tính chất
- Trung tâm dịch vụ, du lịch sinh thái văn hóa cấp vùng Đồng bằng sông Hồng, gắn với bảo tồn và phát huy giá trị Quần thể danh thắng Tràng An;
- Trung tâm hành chính, chính trị, kinh tế, văn hóa, y tế, giáo dục, thể thao, du lịch và dịch vụ của tỉnh Ninh Bình;
- Trung tâm văn hóa – lịch sử, du lịch cấp quốc gia, có ý nghĩa quốc tế;
- Đô thị đầu mối giao thông, cửa ngõ phía Nam vùng duyên hải Bắc Bộ;
- Có vị trí quan trọng về quốc phòng và an ninh.
4. Các chỉ tiêu phát triển đô thị
a) Quy mô dân số
- Dân số đến năm 2030: Khoảng 410.000 - 430.000 người
- Dân số đến năm 2040 khoảng 540.000 - 560.000 người .
b) Quy mô đất đai
- Diện tích tự nhiên khoảng 23.242 ha.
- Đến năm 2030: Diện tích đất xây dựng đô thị và nông thôn khoảng 9.000-10.000ha
- Đến năm 2040: Diện tích đất xây dựng đô thị và nông thôn khoảng 11.500 -12.000ha
5. Định hướng phát triển không gian
Hình ảnh: Định hướng phát triển không gian QHC đô thị Ninh Bình
a) Mô hình cấu trúc phát triển
Đô thị Ninh Bình phát triển theo mô hình gồm 05 Khu vực (Khu vực di sản Tràng An, Khu vực đô thị trung tâm; Khu vực nông thôn; Khu vực Bái Đính và đô thị du lịch phía Tây; Khu vực công nghiệp, dịch vụ logistics phía Nam); 01 trục phát triển (QL1A) và lấy vùng lõi di sản Tràng An làm trung tâm, bao gồm:
(1) Khu vực quần thể danh thắng Tràng An: Là vùng bảo tồn và phát huy các giá trị Di sản thiên nhiên thế giới quần thể danh thắng Tràng An theo quy định của Luật Di sản văn hóa; kết nối không gian gắn với khu vực sản xuất nông nghiệp, đô thị Ninh Bình,... và Có liên kết với mạng lưới các di sản thiên nhiên – văn hóa phía Bắc đã được UNESCO công nhận như Hạ Long, Thành nhà Hồ, các khu du lịch quốc gia, di tích văn hóa lịch sử đã được công nhận … để tạo nên mạng lưới hỗ trợ kết nối về du lịch, du khách và dịch vụ.
(2) Khu vực đô thị trung tâm: Là vùng đô thị hiện hữu gắn với các chức năng trung tâm hành chính - chính trị, văn hóa cấp Tỉnh, trung tâm tổng hợp của thành phố Ninh Bình;
(3) Khu vực Nông Thôn: Là khu vực dân cư kết hợp sản xuất nông nghiệp, là vùng chuyển tiếp giữa Vùng lõi di sản Tràng An và khu vực phát triển đô thị, khu vực nông thôn gắn với các chức năng bảo tồn sinh thái, sản xuất nông, lâm nghiệp; du lịch sinh thái cộng đồng.
(4) Khu vực Bài Đính: là Khu vực gắn liền với chùa Bái Đính Là khu du lịch mang không khí nhộn nhịp của phố chùa với trung tâm là QL38B – tuyến đường chính dẫn đến chùa Bái Đính.
(5) Khu vực Bến Đang:, kéo dài xuống phía Nam. Phát triển sản xuất và dịch vụ hỗ trợ làm động lực phát triển kinh tế xã hội toàn tỉnh, mang tính đột phá về dịch vụ du lịch.
b) Định hướng phát triển không gian tổng thể
Phát triển đô thị Ninh Bình gắn với bảo tồn và phát huy giá trị Quần thể danh thắng Tràng An. Phát triển đô thị tập trung phía Đông, gắn với trục phát triển Bắc Nam, tạo hình ảnh đô thị sinh thái dọc sông Đáy, giới hạn phát triển đô thị tập trung đến tuyến đường tránh phía Tây (tránh Quốc lộ 1A). Hình thành vành đai chức năng dịch vụ bao quanh quần thể danh thắng Tràng An, được liên kết bởi tuyến đường vành đai kết nối. Khu vực quần thể danh thắng Tràng An được bảo tồn và phát triển theo mô hình công viên sinh thái văn hóa.
Không gian tổng thể của đô thị Ninh Bình là không gian sinh thái, các khu vực núi đá vôi, mặt nước, cảnh quan sinh thái hấp dẫn được tôn vinh, đan xen hài hòa với không gian các khu vực xây dựng tập trung là các khu đô thị hiện trạng cải tạo, khu đô thị mới, khu chức năng, khu du lịch, làng du lịch, làng xóm nông thôn …. Được xây dựng hòa quện vào nhau với mạng lưới không gian xanh là không gian kết nối, tỷ lệ cây xanh chiếm tỷ lệ lớn, hình ảnh đặc trưng cho không gian đô thị sinh thái.
Quần thể danh thắng Tràng An được bảo vệ và quản lý phát triển theo 3 vành đai. Trung tâm là vùng lõi di sản được bảo vệ nghiêm ngặt theo các quy chế, chỉ dẫn của unesco, kiểm soát chặt hoạt động xây dựng, bổ sung các hoạt động phát triển sinh thái, phát triển hạ tầng, phát triển các sự kiện văn hóa để bổ trợ và hấp dẫn thêm đối với quần thể Tràng An. Xây dựng các trải nghiệm sinh thái bằng các tiếp cận gần, tiếp cận chậm thông qua các hoạt động giao thông đi bộ, đi xe đạp, hạn chế các phương tiện giao thông cơ giới, giao thông khối lượng lớn. Kiểm soát chặt các giải pháp xây dựng hạ tầng, xây dựng công trình kiến trúc, thiết kế cảnh quan theo hướng sinh thái, tự nhiên, hài hòa với đồi núi, mặt nước, nông nghiệp hiện trạng. Vùng đệm di sản được phát triển theo mô hình vùng nông nghiệp sinh thái kết hợp hình thành hệ thống các làng du lịch sinh thái văn hóa được phát triển từ các làng xóm hiện trạng, khu vực dân cư mới, các khu dịch vụ mới … được kiểm soát chặt chẽ về mật độ xây dựng (dành tỷ lệ cho cây xanh), chiều cao thấp tầng (trung bình 2-3 tầng), hình thái kiến trúc sinh thái. Vành đai mở rộng cần phải kiểm soát về không gian cảnh quan sinh thái, chiều cao công trình, chức năng hoạt động để không làm ảnh hưởng tiêu cực tới tổng thể quần thể danh thắng Tràng An.
Mở rộng phạm vi đô thị hóa để trở thành đô thị loại 1: Đảm bảo đất phát triển đô thị mới cần thiết để hướng tới đô thị loại 1; Bảo đảm hơn nữa quỹ đất cho du lịch, resort để phát triển công nghiệp du lịch, đồng thời hình thành mạng lưới kết nối các quy hoạch phát triển du lịch hiện hữu nằm rải rác trong khu quy hoạch. Xác định khu vực quanh quảng trường Đinh Tiên Hoàng là khu vực hạt nhân mới của đô thị Ninh Bình, tập trung các chức năng hành chính, dịch vụ thương mại, văn phòng, hình thành nên trọng điểm đô thị phù hợp với quy mô của một Tỉnh lỵ. Khu vực đô thị phía Đông được phát triển trên cơ sở mở rộng khu vực trung tâm đô thị, đô thị hóa các làng xóm hiện hữu, kết hợp hài hòa giữa không gian xây dựng mới, khu vực hiện trạng cải tạo bằng cấu trúc sinh thái và công cộng. Phát triển mạng lưới các trung tâm chức năng hỗn hợp để hình thành các trung tâm dịch vụ cấp vùng, trung tâm chức năng cấp tỉnh, trung tâm dịch vụ đô thị, dịch vụ hỗ trợ du lịch. Xây dựng các trung tâm công cộng cấp tỉnh tập trung tại phân khu phía Bắc, phát triển các trung tâm sản xuất, dịch vụ cấp vùng, khu đô thị công nghiệp tại phía Nam gắn với hành lang tuyến cao tốc Bắc Nam.
Xây dựng hệ thống mạng lưới đô thị theo mô hình đa tâm: Phát triển đô thị trên cơ sở bảo vệ và phát huy bản sắc riêng của các khu vực như cố đô Hoa Lư, Tràng An, Tam Cốc-Bích Động, làng nghề truyền thống vv.. ; Các khu vực sẽ thúc đẩy nhau cùng phát triển và liên kết với nhau một cách hữu cơ để tạo ra một đô thị Ninh Bình có sức thu hút trên nhiều phương diện. Vừa mở rộng chức năng đô thị vừa bảo đảm nguồn tài nguyên xanh, qua đó hình thành nên môi trường hài hòa với thiên nhiên phong phú của đô thị Ninh Bình, tạo ra đô thị mà người ở xa muốn tới sống thử, người dân bản địa muốn tiếp tục sinh sống và du khách trong ngoài nước muốn đến thăm.
Phát triển vành đai dịch vụ sinh thái xung quanh quần thể danh thắng Tràng An để cung cấp các cơ sở hạ tầng dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí đa dạng, chất lượng cao. Hình thành chủ đề, chức năng chính cho từng phân khu để tạo chuỗi chức năng hỗ trợ đa dạng xung quanh Tràng An và cung cấp dịch vụ chung cho khu vực. Thực hiện các giải pháp chuyển đổi từ các khu vực nông nghiệp, làng xóm hiện hữu sang các khu chức năng dịch vụ có yếu tố sinh thái, cộng đồng, phát triển xanh. Các dự án tại khu vực đều phải quản lý mật độ xây dựng thấp (dưới 30%), thấp tầng (3 tầng), kiến trúc sinh thái, sử dụng vật liệu địa phương, tiết kiệm năng lượng. Các công trình không làm cản trở tầm nhìn đối với các khu vực đồi núi, khu vực cảnh quan sinh thái đẹp thuộc quần thể danh thắng Tràng An.
Xây dựng khu nội thành tương lai: Thực hiện đô thị hóa các khu vực có thể phát triển ở lân cận khu vực trung tâm đô thị, qua đó thúc đẩy quá trình tập trung hóa và phát triển các chức năng của trung tâm đô thị. Đối với khu vực giáp với khu đô thị trung tâm, thuận lợi về giao thông và có tiềm năng phát triển quy mô lớn, thực hiện bố trí trọng điểm vùng đóng vai trò là một hạt nhân đô thị mới. Đối với các làng xóm hiện hữu, không phát triển theo hướng làm phát sinh các khu tái định cư với quy mô lớn. Phát triển các dự án đô thị, dịch vụ tập trung với hạ tầng đồng bộ, dịch vụ tiện ích chất lượng cao, các giải pháp kiến trúc cảnh quan sinh thái, hạn chế phát triển các dự án nhà ở riêng lẻ, nhà ở chia lô, nhà ở tự xây dựng trong đô thị.
Quy hoạch cải tạo các khu vực đô thị hiện hữu theo định hướng phát triển chung để hoàn thiện tiêu chí đô thị loại I (đặc biệt cần bổ sung các khu công viên cây xanh, các khu thể dục thể thao, bãi đỗ xe). Đầu tư nâng cấp hạ tầng kỹ thuật đô thị, chuyển đổi mô hình từ nhà ở riêng lẻ hợp khối thành các nhà chung cư, nâng cao giá trị sử dụng đất; tạo hình ảnh kiến trúc, cảnh quan đô thị du lịch. Chú trọng quy hoạch, bố trí các khu nhà ở công nhân gắn với các khu công nghiệp; hình thành các khu nhà ở xã hội, khu nhà ở cho người có thu nhập thấp tập trung có đầy đủ các thiết chế văn hóa, hạ tầng đô thị hiện đại; cải tạo các khu nhà ở cũ xuống cấp, kiểm soát phát triển các làng xóm nằm trong vùng đô thị hóa mở rộng theo không gian đô thị.
Phát triển cấu trúc núi đá, mặt nước, cây xanh cảnh quan là hình ảnh đặc trưng trong tổng thể đô thị Ninh Bình. Kết nối hệ thống nước mặt để phục vụ yêu cầu kỹ thuật về tiêu thoát nước mặt của khu vực, tạo cảnh quan sinh thái hấp dẫn cho các hoạt động du lịch, ngắm cảnh và khai thác dịch vụ theo chủ đề của từng khu vực như giao thông đường thủy, thể thao vui chơi giải trí, tổ chức các sự kiện văn hóa trên mặt nước. Phát triển đa dạng hình thái mặt nước cảnh quan đô thị. Kết nối mạng lưới đường thủy giữa các khu du lịch Tràng An với các khu vực lân cận, tiến hành xây dựng các khu đất cây xanh và phát huy sông ngòi, kênh rạch sẵn có để thúc đẩy liên kết với khu phố đô thị, hình thành nên mạng lưới nước và cây xanh trong toàn đô thị. Bố trí dải đất cây xanh giữa đất công nghiệp và không gian ở để phát huy chức năng làm dịu mát đô thị cũng như chức năng phòng chống thiên tai của đất cây xanh.
Phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật xanh, ứng dụng khoa học công nghệ, tạo nền tảng cho phát triển bền vững và xây dựng đô thị dịch vụ du lịch quốc tế. Bố trí các trung tâm điều hành tập trung để quản lý vận hành hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị. Lựa chọn giải pháp thiết kế hạ tầng đô thị phù hợp với đặc điểm điều kiện tự nhiên của từng khu vực, khuyến khích sử dụng vật liệu, năng lượng tái tạo, hạn chế cứng hóa bề mặt đô thị để tăng cường khả năng thấm nước tự nhiên. Hệ thống hạ tầng kỹ thuật được thiết kế theo hướng phân tán, cân bằng cho từng khu vực, xử lý môi trường theo từng khu vực, bố trí hệ thống hồ điều hòa và kênh thoát nước mặt theo các lưu vực để hỗ trợ thoát nước mặt và tạo cảnh quan đô thị.
c) Định hướng phát triển không gian theo các khu vực
Trên cơ sở phân vùng cảnh quan, phân vùng chức năng, đặc trưng hoạt động của từng khu vực, định hướng phát triển không gian theo 05 khu vực như sau:
- Khu vực đô thị trung tâm: Nằm phía Đông khu vực lập quy hoạch, thuộc thành phố Ninh Bình và một phần các huyện Hoa Lư, Yên Mô, Yên Khánh; Tính chất: Là trung tâm hành chính, chính trị, kinh tế, y tế, giáo dục, văn hóa, thể thao, du lịch và dịch vụ của Tỉnh và thành phố Ninh Bình. Là trọng điểm giao thông phía Nam vùng duyên hải Bắc Bộ; Diện tích tự nhiên khoảng 9.274 ha; Diện tích đất xây dựng khoảng: 6.400 – 7.000 ha; Dân số đến năm 2040 khoảng: 420.000 - 425.000 người.
- Khu vực quần thể Danh thắng Tràng An: Nằm ở trọng tâm khu vực lập quy hoạch, bao gồm toàn bộ ranh giới vùng lõi quần thể danh thắng Tràng An, thuộc huyện Hoa Lư và một phần huyện Gia Viễn, huyện Nho Quan, TP. Ninh Bình, TP. Tam Điệp; Tính chất: Là khu vực chứa đựng các yếu tố gốc, có giá trị về địa chất, địa mạo, cảnh quan thiên nhiên và lịch sử, văn hóa; tạo nên giá trị nổi bật toàn cầu của Di sản Văn hóa và Thiên nhiên Thế giới - Quần thể danh thắng Tràng An. Là khu du lịch của quốc gia, tầm cỡ quốc tế, có đặc trưng về lịch sử - văn hóa - sinh thái. Là khu vực có dân cư sinh sống đan xen, giữ gìn cấu trúc làng xóm hiện có, giữ gìn và tôn tạo các công trình kiến trúc có giá trị, phục hồi các công trình công cộng dân gian truyền thống và gìn giữ khu vực sinh thái nông nghiệp; Diện tích tự nhiên khoảng 6.035 ha; Diện tích đất xây dựng khoảng: 660 - 700 ha; Dân số đến năm 2040 khoảng: 38.000 - 40.000 người.
- Khu vực Bái Đính: Nằm ở phía Tây Bắc khu vực lập quy hoạch, ranh giới khu vực thuộc một phần xã Gia Sinh, huyện Gia Viễn và một phần xã Quỳnh Lưu, xã Sơn Lai, huyện Nho Quan; Tính chất: Là khu đô thị hiện trạng cải tạo gắn với phát triển du lịch. Là khu đô thị du lịch mang không khí nhộn nhịp của phố chùa với trung tâm là QL38B – tuyến đường chính dẫn đến chùa Bái Đính; Diện tích tự nhiên khoảng 2.252 ha; Diện tích đất xây dựng khoảng: 940 – 1.000 ha; Dân số đến năm 2040 khoảng: 29.000 - 30.000 người.
- Khu vực Bến Đang: Nằm ở phía Tây Nam khu vực lập quy hoạch, thuộc ranh giới xã Sơn Hà, huyện Nho Quan và xã Yên Sơn, phường Tân Bình, TP.Tam Điệp; Tính chất: Khu du lịch sinh thái, văn hoá, giải trí cao cấp đô thị; Diện tích tự nhiên khoảng 1.745 ha; Diện tích đất xây dựng khoảng: 1.570 - 1.600 ha; Dân số đến năm 2040 khoảng: 20.000 - 21.000 người.
- Khu vực chức năng khác (Vùng đệm di sản, khu vực nông thôn): Là vùng đệm chuyển tiếp giữa khu vực phát triển đô thị và khu vực bảo tồn, bao gồm một phần TP.Ninh Bình, TP.Tam Điệp và một phần huyện Hoa Lư, huyện Yên Mô, huyện Gia Viễn, huyện Nho Quan; Tính chất: Là khu dân cư hiện trạng cải tạ. Là khu sinh thái nông nghiệp và dịch vụ du lịch sinh thái, trải nghiệm. Là khu du lịch tâm linh gắn với chùa Bái Đính. Là vùng đệm giữa khu vực đô thị phát triển và khu vực sinh thái Tràng An; Diện tích tự nhiên khoảng 3.928 ha; Diện tích đất xây dựng khoảng: 2.160 – 2.200 ha; Dân số đến năm 2040 khoảng: 45.000 – 50.000 người.
Link tải file Hồ sơ đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Đô thị Ninh Bình đến năm 2040 và phiếu lấy ý kiến:
https://drive.google.com/file/d/1reaBk68IMVit6-_ghstp31tzx--nDTxV/view?usp=sharing
Phiếu góp ý kiến xin gửi về địa chỉ:
- Sở Xây dựng, số 15 đường Trần Hưng Đạo, thành phố Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình
- Hòm thư: chault.xd@ninhbinh.gov.vn
Trực tuyến : 6
Hôm nay : 76
Hôm qua : 242