Hàng năm, cả nước phải tiếp nhận một khối lượng chất thải rắn lên tới trên 38 triệu tấn. Con số này đang tăng với tốc độ khoảng 9%/năm. Mặc dù, ngân sách Trung ương và địa phương đã dành hàng ngàn tỷ đồng mỗi năm để quản lý và xử lý thế nhưng, kết quả thu được không tương xứng với chi phí, nguồn lực đã bỏ ra. Nguyên nhân chính là do chúng ta chưa lựa chọn được công nghệ xử lý phù hợp.
Hiện có 2 phương pháp được các nước phát triển trên thế giới sử dụng. Đó là, chôn lấp hợp vệ sinh (tận dụng khí thải mê-tan từ bãi chôn lấp để phát điện) và đốt sinh khối để phát điện (gọi là điện rác). Cả hai phương pháp này đều yêu cầu bắt buộc là rác đầu vào phải được phân loại từ đầu nguồn theo các mục đích tái chế, tái sử dụng. Các nước phát triển áp dụng hai phương pháp trên khá thành công do họ tập quán phân loại rác đã hình thành từ lâu.
Còn tại Việt Nam, các nhà máy xử lý rác áp dụng 2 phương pháp đến nay hầu hết tất cả các nhà máy đó đều thất bại, hoạt động cầm chừng hoặc hoạt động nhưng không đạt tiêu chuẩn. Đơn cử như Nhà máy xử lý rác sinh hoạt phát điện Cần Thơ có tổng mức đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng đã sử dụng công nghệ đốt rác để phát điện. Năm 2017 nhà máy chính thức đi vào hoạt động. Tuy nhiên, đến nay lượng tro bay đã gần đầy kho chứa, hệ lụy do công nghệ này đang khiến TP Cần Thơ và nhà máy phải tìm phương án để giải quyết.
Cùng cảnh ngộ, là Nhà máy xử lý chất thải công nghiệp phát điện đầu tiên của Hà Nội (Nhà máy Nedo), được xây dựng tại Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn trên diện tích 16.809m2, với tổng mức đầu tư trên 645 tỷ đồng. Đây được đánh giá là dự án tiên phong trong quy trình xử lý rác thải công nghiệp hiện đại chưa từng có tại Việt Nam và khu vực. Tuy nhiên, nhà máy cũng chỉ xử lý được 75 tấn rác thải công nghiệp, rác thải nguy hại/ngày và tạo ra 1.930KW điện, rất khiêm tốn so với tổng lượng rác phát sinh và những tháng gần đây nhà máy này đã không thể phát điện…
Đối với công nghệ chôn lấp hợp vệ sinh thu hồi khí mê-tan, điển hình phải kể đến dự án Nhà máy rác Đa Phước tại TP.HCM. Theo thiết kế và theo cam kết trong hợp đồng thì đây là nhà máy phân loại, tái chế, làm phân bón compost và tận dụng khí mê-tan thải từ bãi chôn lấp để phát điện. Sau chục năm, đến nay không có 1kg phân compost nào, không 1KW điện nào được sản xuất tại nhà máy. Tương tự, một loạt các nhà máy ở Hà Nam, TT-Huế sử dụng công nghệ này nhưng đến nay chỉ là những bãi chôn lấp nhếch nhác, bừa bãi, đốt thiêu hủy ống khói khói đen ngụt trời.
Sở dĩ các công nghệ này vào Việt Nam không đạt hiệu quả như mong muốn là do rác chưa được phân loại. Ở các nước, họ có 3 thậm chí là 5 thùng rác để người dân phân loại. Do đó, nhựa và nilon sẽ được lọc riêng để tái chế và họ chỉ chôn lấp hoặc đốt các loại rác còn lại.
Theo các chuyên gia, tồn tại lớn nhất của công tác quản lý, xử lý chất thải rắn sinh hoạt ở nước ta là chưa áp dụng được phương thức tổng hợp, chưa chú trọng đến các giải pháp phân loại chất thải rắn tại nguồn, tái sử dụng và tái chế chất thải nhằm hướng tới giảm khối lượng chất thải rắn phải chôn lấp.
(Theo Baoxaydung)
Trực tuyến : 2
Hôm nay : 52
Hôm qua : 272