Hôm nay, Thứ bảy ngày 12/10/2024,

Sinh hoạt chính trị dưới nghi thức chào cờ đầu tuần tháng 11/2023

Thứ hai, 06/11/2023
  • Đánh giá cho bài viết:
  • 0 điểm ( 0 đánh giá )

Sáng ngày 06/11/2023, Sở Xây dựng đã trang nghiêm tổ chức sinh hoạt chính trị dưới nghi thức chào cờ đầu tuần tháng 11/2023. Dự buổi sinh hoạt chính trị có các đồng chí lãnh đạo Sở cùng toàn thể các cán bộ, công chức, viên chức và người lao động thuộc Sở.

Ngay sau nghi thức chào cờ trang trọng, các cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đã được nghe đồng chí Trần Văn Hưng, Phó trưởng phòng Quản lý Nhà kể câu chuyện có tựa đề: "Bài học dựa vào dân” (Trích nguồn: theo lời kể của đồng chí Nguyễn Thọ Châu, Sách Kỷ niệm về Bác, Nxb. Thông tấn, Hà Nội, 2005):

“Vào khoảng tháng 10 năm 1948, đoàn đại biểu Đảng và Công đoàn Nam Bộ ra tới Việt Bắc, căn cứ địa kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân ta. Đến Việt Bắc, tôi vinh dự được cấp trên cử đi học trường Nguyễn Ái Quốc. Đầu năm 1950, đoàn đại biểu Đảng - Công đoàn Nam Bộ được đến chào Bác cùng các vị trong Ban thường trực Quốc hội và Chính phủ. Chúng tôi được chụp ảnh chung với Bác. Khi từ Sài Gòn ra, tôi đang là Trưởng Ban cán sự nội thành Sài Gòn. Đây là lần đầu tiên tôi được gặp Bác Hồ. Ấn tượng của tôi lúc gặp Bác tôi vẫn còn giữ mãi cho tới tận bây giờ, đó là nét mặt hiền từ, tấm lòng đôn hậu và sự quan tâm đặc biệt của Bác với nhân dân.

Tháng 1 năm 1950, tại chiến khu Việt Bắc tổ chức Hội nghị cán bộ toàn quốc lần thứ 3, bàn về tổng phản công. Đại biểu các nơi phát biểu về tình hình của địa phương mình. Đó là các đại biểu từ Liên khu V và Tây Nguyên, có một chi tiết khá thú vị là khi giới thiệu tên các đại biểu, có một đồng chí tên là Phan Đình Công. Nghe đến tên đó, Bác cười và nói vui:

- Lúc này chúng ta chưa đình công đâu, mà còn phải kháng chiến.

Bác Hồ gần gũi với người dân lao động

Sau khi đại biểu ở các địa phương trong cả nước báo cáo, Bác không phát biểu ngay, Người mời hai cụ Phan Kế Toại và Phạm Bá Trực cho ý kiến về các bản báo cáo đó. Hai cụ khiêm tốn mời Bác nói trước.

Bác hỏi thăm sức khoẻ của các cán bộ và căn dặn mọi người phải giữ gìn sức khoẻ để cùng đồng bào kháng chiến đến thắng lợi cuối cùng. Tối hôm đó, có một cuộc tiệc trà để chào mừng các đoàn đại biểu. Trong buổi liên hoan, tôi thấy Bác đi ra, như đang tìm ai. Thấy thế, anh Trần Duy Hưng hỏi Bác:

- Thưa Bác, Bác đang tìm ai đấy ạ?

Bác trả lời:

- Bác thấy mấy cháu nhỏ ở xung quanh đây, Bác muốn cho các cháu cùng ăn bánh kẹo.

Tôi còn nhớ hôm gặp đoàn đại biểu Nam Bộ, Bác hỏi rất kỹ về tình hình đấu tranh của đồng bào miền Nam. Với tư cách là người phụ trách công tác ở nội thành Sài Gòn, tôi đã báo cáo tỉ mỉ với Bác về tình hình đấu tranh ở Sài Gòn. Tôi còn chuyển lên Bác bản kiến nghị của hơn một nghìn trí thức nội thành Sài Gòn gửi đại diện Pháp đòi rút quân, đòi cải cách dân chủ.v.v...

Trong thời gian còn ở Việt Bắc, có lần tôi được đi theo các anh Phạm Hùng và Võ Nguyên Giáp đến nhà sàn của Bác ở An toàn khu Sơn Dương. Trong buổi nói chuyện, tôi thấy Bác đặc biệt chú ý tới tình hình miền Nam. Khi tôi nói ý định xin tiền của Trung ương, Bác cười và bảo:

- Trung ương không có tiền, mà chỉ cấp tiền để cho các chú đi và về thôi. Các chú phải dựa vào dân. Nếu chú có một que diêm, nhưng biết cách thì cũng có thể đốt được cả một cánh đồng. Còn nếu có cả mồi lửa to, nhưng không biết cách thì cũng không châm lên được.

Bác muốn nhắc nhở: Phải tuyệt đối tin ở dân, dựa vào dân để kháng chiến.” 

Câu chuyện giản dị nhưng cho chúng ta nhận thức được rằng, tư tưởng, đạo đức của Bác Hồ thấm nhuần một chân lý sâu sắc:

“Dễ trăm lần không dân cũng chịu.

Khó vạn lần dân liệu cũng xong”.

Bài học “dựa vào dân” của Bác nêu ra, làm cho mọi người chúng ta, phải suy nghĩ, cho thật kỹ, thật sâu. Bởi…đoàn kết là sức mạnh làm nên tất cả.

Đó là cốt lõi của câu nói mà Bác Hồ luôn nhắc nhở …Đảng và nhân dân là một, Đảng phải luôn luôn được nhân dân quý trọng yêu mến. Cán bộ, đảng viên phải đặt lợi ích của dân, của nước, của Ðảng lên trên hết, đem lòng chí công vô tư mà đối xử với người, với việc, không mảy may có chút chủ nghĩa cá nhân. Dĩ công vi thượng là cốt cách người cách mạng. Nếu ai không làm được điều này thì không thể trở thành người cách mạng, người cán bộ, đảng viên, đoàn viên chân chính. Lời dạy của Bác đã và sẽ mãi mãi là kim chỉ nam cho mọi hành động trong công tác của mỗi chúng ta.

Cũng tại buổi sinh hoạt, chi bộ đã biểu dương  05 cá nhân vì đã có thành tích xuất sắc trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh./.

Thống kê truy cập
438272

Trực tuyến : 2

Hôm nay : 17

Hôm qua : 320