Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập được đánh giá là bước đột phá mới trên lộ trình đổi mới toàn diện, cơ cấu lại các đơn vị sự nghiệp công, tăng cường giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các đơn vị sự nghiệp. Cơ chế, chính sách này nhận được sự đồng thuận cao của các cấp, các ngành khi “cởi trói” cho các đơn vị sự nghiệp công phát triển, giảm áp lực tài chính cho ngân sách nhà nước…
Đột phá trong tự chủ tài chính
Thời gian quan, cơ chế tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp công lập được thực hiện theo Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25/4/2006 của Chính phủ quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập; Thông tư số 71/2006/TT-BTC ngày 9/8/2006 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Nghị định trên. Sau gần 15 năm thực hiện Nghị định số 43/2006/NĐ-CP trên cơ sở tổng kết đánh giá kết quả đạt được cũng như những bất cập phát sinh, ngày 21/6/2021Chính phủ đã ban hành Nghị định 60/2021/NĐ-CP thay thế Nghị định số 16/2015/NĐ-CP theo hướng quy định các vấn đề chung, làm căn cứ cho các bộ, cơ quan liên quan xây dựng các Nghị định riêng quy định đối với từng lĩnh vực cụ thể. Nghị định 60/2021/NĐ-CP đã thể hiện rõ mục tiêu đổi mới toàn diện các đơn vị sự nghiệp công lập; đẩy mạnh việc giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các đơn vị đồng bộ cả về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, nhân sự và tài chính.
Theo đó, tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp theo 4 mức độ: (i) Tự chủ tài chính đối với đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư; (ii) Tự chủ tài chính đối với đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên; (iii) Tự chủ tài chính đối với đơn vị tự bảo đảm một phần chi thường xuyên (do giá, phí dịch vụ sự nghiệp công chưa kết cấu đủ chi phí, được Nhà nước đặt hàng, giao nhiệm vụ cung cấp dịch vụ sự nghiệp công theo giá, phí chưa tính đủ chi phí); (iv) Tự chủ tài chính đối với đơn vị được Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên (theo chức năng, nhiệm vụ được cấp có thẩm quyền giao, không có nguồn thu hoặc nguồn thu thấp).
Tự chủ trong chi đầu tư và chi thường xuyên
Các đơn vị được chủ động sử dụng các nguồn tài chính được giao tự chủ, bao gồm nguồn thu từ hoạt động dịch vụ sự nghiệp công, nguồn thu phí theo quy định được để lại chi và nguồn thu hợp pháp khác, để chi thường xuyên. Cụ thể:
Đối với đơn vị tự chủ tài chính cao: Đối với các nội dung chi đã có định mức chi theo quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, căn cứ vào khả năng tài chính, đơn vị được quyết định mức chi hoạt động chuyên môn, chi quản lý cao hơn hoặc thấp hơn mức chi do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành và quy định trong quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị. Các nội dung chi chưa có định mức chi theo quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, căn cứ tình hình thực tế, đơn vị xây dựng mức chi cho phù hợp theo mức độ được tự chủ tài chính của từng loại đơn vị sự nghiệp công lập và theo quy chế chi tiêu nội bộ.
Các đơn vị tự chủ tài chính thấp: Căn cứ vào nhiệm vụ được giao và khả năng nguồn tài chính, đơn vị được quyết định mức chi hoạt động chuyên môn, chi quản lý, nhưng tối đa không vượt quá mức chi do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định.
Để tạo điều kiện khuyến khích các đơn vị tự chủ toàn diện về chi thường xuyên và chi đầu tư, Nghị định cho phép các đơn vị chủ động xây dựng danh mục các dự án đầu tư, báo cáo cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Cùng với đó, đơn vị sự nghiệp công được vay vốn tín dụng ưu đãi của Nhà nước hoặc được hỗ trợ lãi suất cho các dự án đầu tư sử dụng vốn vay của các tổ chức tín dụng theo quy định. Căn cứ yêu cầu phát triển của đơn vị, Nhà nước xem xét bố trí vốn cho các dự án đầu tư đang triển khai, các dự án đầu tư khác theo quyết định của cấp có thẩm quyền.
Chi tiền lương và thu nhập tăng thêm
Khi Nhà nước điều chỉnh tiền lương cơ sở, đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư. Đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên phải tự bảo đảm tiền lương tăng thêm từ nguồn thu của đơn vị; NSNN không cấp bổ sung; đối với đơn vị chưa tự bảo đảm chi thường xuyên và đơn vị được Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên, chi tiền lương tăng thêm từ các nguồn theo quy định, bao gồm cả nguồn NSNN cấp bổ sung (nếu thiếu).
Đối với phần thu nhập tăng thêm, các đơn vị được chủ động sử dụng Quỹ bổ sung thu nhập để thực hiện hiện phân chia cho người lao động trên cơ sở quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị, theo nguyên tắc gắn với số lượng, chất lượng và hiệu quả công tác của người lao động. Tuy nhiên, để đảm bảo mức chi trả thu nhập tăng thêm cho cán bộ quản lý không quá chênh lệch so với người lao động, nghị định mới quy định, khi phân bổ thu nhập tăng thêm thì hệ số thu nhập tăng thêm của chức danh lãnh đạo đơn vị sự nghiệp công tối đa không quá 2 lần hệ số thu nhập tăng thêm bình quân thực hiện của người lao động trong đơn vị.
Trích lập các quỹ
Hàng năm, sau khi hạch toán đầy đủ các khoản chi phí, nộp thuế và các khoản nộp NSNN khác theo quy định; phần chênh lệch thu lớn hơn chi, đơn vị được sử dụng để trích lập các quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp; quỹ bổ sung thu nhập; quỹ khen thưởng và quỹ phúc lợi. Ngoài ra, Chính phủ cho phép các đơn vị được trích lập các quỹ khác theo quy định của pháp luật sao cho phù hợp với tình hình thực tế. Về mức trích, căn cứ vào mức độ tự chủ tài chính như sau:
- Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp: Đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư: Trích tối thiểu 25% chênh lệch thu lớn hơn chi; đơn vị chưa tự bảo đảm một phần chi thường xuyên trích tối thiểu 15%; đơn vị được Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên, nếu có kinh phí tiết kiệm chi và số tiết kiệm chi lớn hơn một lần quỹ tiền lương thực hiện thì trích tối thiểu 5%.
- Quỹ bổ sung thu nhập: Đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư được quyết định mức trích Quỹ bổ sung thu nhập (không khống chế mức trích); đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên trích tối đa không quá 3 lần quỹ tiền lương; đơn vị tự bảo đảm một phần chi thường xuyên trích tối đa không quá 2 lần quỹ tiền lương; đơn vị được Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên trích tối đa không quá 01 lần quỹ tiền lương.
- Quỹ khen thưởng và Quỹ phúc lợi: Đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư; đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên trích tối đa không quá 3 tháng tiền lương, tiền công trong năm của đơn vị; đơn vị tự bảo đảm một phần chi thường xuyên trích tối đa không quá 2 tháng tiền lương, tiền công; đơn vị được Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên trích tối đa không quá 01 tháng tiền lương, tiền công.
Tự chủ trong giao dịch tài chính
Để tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị sự nghiệp trong giao dịch với bên ngoài, đặc biệt là trong các hoạt động liên doanh, liên kết, đồng thời tạo thêm nguồn thu cho đơn vị, Chính phủ quy định: Đơn vị sự nghiệp công được mở tài khoản tiền gửi tại ngân hàng thương mại hoặc Kho bạc Nhà nước để phản ánh các khoản thu, chi hoạt động dịch vụ sự nghiệp công không sử dụng NSNN. Lãi tiền gửi đơn vị được bổ sung vào Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp hoặc bổ sung vào Quỹ khác theo quy định của pháp luật chuyên ngành (nếu có), không được bổ sung vào Quỹ bổ sung thu nhập.
Nghị định cũng quy định, đơn vị sự nghiệp công lập được huy động vốn, vay vốn để đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất theo quy định của pháp luật và phải có phương án tài chính khả thi để hoàn trả vốn vay, chịu trách nhiệm về hiệu quả của việc huy động vốn, vay vốn.
Sở Xây dựng tỉnh Ninh Bình khai thực hiện kịp thời, thống nhất, đồng bộ
Để triển khai thực hiện kịp thời, thống nhất, đồng bộ và toàn diện, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 56/2022/TT-BTC ngày 16/9/2022 hướng dẫn một số nội dung về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập; xử lý tài sản, tài chính khi tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập, nhằm hướng dẫn thực hiện cụ thể Nghị quyết số 116/NQ-CP ngày 05/9/2022 của Chính phủ về phương án phân loại tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập trong năm 2022; Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021của Chính phủ, trong đó quy định cụ thể các nội dung công việc, thời hạn, tiến độ hoàn thành và trách nhiệm của các bộ, địa phương. Theo đó, giao 7 bộ xây dựng, trình Chính phủ ban hành các nghị định quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập trong các lĩnh vực chuyên ngành: Y tế; giáo dục đào tạo; dạy nghề; văn hoá thể thao và du lịch; thông tin truyền thông và báo chí; khoa học và công nghệ, lĩnh vực sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác.
Hiện nay, các bộ đã và đang xây dựng để trình Chính phủ ban hành các nghị định quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập trong các lĩnh vực chuyên ngành. Cùng với đó, Chính phủ cũng giao các bộ, cơ quan Trung ương và các địa phương khẩn trương: Xây dựng danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng NSNN thuộc lĩnh vực quản lý; Quy hoạch mạng lưới các đơn vị sự nghiệp công lập cung ứng dịch vụ sự nghiệp công; Xây dựng hệ thống định mức kinh tế - kỹ thuật chuyên ngành các dịch vụ sự nghiệp công do Nhà nước quản lý; Xây dựng các tiêu chí, tiêu chuẩn dịch vụ sự nghiệp công; Xây dựng cơ chế đặt hàng, đấu thầu dịch vụ sự nghiệp công...
Thực hiện các yêu cầu tại Văn bản số 949/UBND-VP5 ngày 28/10/2022 của UBND tỉnh Ninh Bình về phương án tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập năm 2022 và giai đoạn tiếp theo, Trung tâm Giám định chất lượng xây dựng Ninh Bình và Viện Quy hoạch - Xây dựng Ninh Bình thuộc Sở Xây dựng đã xây dựng đề án tự chủ đối với các đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư, đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên. Ngày 18/10/2023, UBND tỉnh Ninh Bình đã thông qua Quyết định số 709/QĐ-UBND về phê duyệt Đề án tự chủ về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, nhân sự và tài chính giai đoạn 2023-2025 đối với Trung tâm Giám định chất lượng xây dựng Ninh Bình và 708/QĐ-UBND về phê duyệt Đề án tự chủ về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, nhân sự và tài chính giai đoạn 2023-2025 đối với Viện Quy hoạch -Xây dựng Ninh Bình thuộc Sở Xây dựng. Các đơn vị đều tổ chức triển khai thực hiện các quy định về công khai tài chính và tài sản công theo đúng quy định.
Tại Quyết định số 43/2023/QĐ-UBND ngày 15/6/2023 của UBND tỉnh Ninh Bình về việc Ban hành quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Viện Quy hoạch - Xây dựng Ninh Bình. Hàng năm Viện Quy hoạch xây dựng kế hoạch hoạt động phù hợp với chức năng nhiệm vụ được giao, đặc biệt chú trọng công tác tìm kiếm việc làm, đảm bảo việc làm, thu nhập ổn định cho cán bộ, viên chức và người lao động. Trên cơ sở kế hoạch hoạt động hàng năm, Viện Quy hoạch xây dựng Ninh Bình tự chủ trong việc: Quyết định các biện pháp thực hiện nhiệm vụ theo kế hoạch của đơn vị, kế hoạch theo nhiệm vụ chính trị của cấp trên giao đảm bảo chất lượng, tiến độ theo yêu cầu của chủ đầu tư. Đơn vị đã chấp hành chế độ chính sách và các quy định về tài chính, đơn vị đã xây dựng và thực hiện chi theo quy chế chi tiêu nội bộ.
Trung tâm Giám định chất lượng xây dựng Ninh Bình được giao quyền tự chủ tại Quyết định số 709/QĐ-UBND ngày 18/10/2023 của UBND tỉnh Ninh Bình là đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên theo nghị định số 60/2021/NĐ-CP của Chính Phủ: Mức độ tự chủ Đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm chi thường xuyên (Đơn vị tự chủ Nhóm 2) theo Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 của Chính phủ. Hàng năm Trung tâm xây dựng kế hoạch hoạt động phù hợp với chức năng nhiệm vụ được giao, đặc biệt chú trọng công tác tìm kiếm việc làm, đảm bảo việc làm, thu nhập ổn định cho cán bộ, viên chức và người lao động. Trên cơ sở kế hoạch hoạt động hàng năm, Trung tâm tự chủ trong việc: Quyết định các biện pháp thực hiện nhiệm vụ theo kế hoạch của đơn vị, kế hoạch theo nhiệm vụ chính trị của cấp trên giao đảm bảo chất lượng, tiến độ theo yêu cầu của chủ đầu tư, khách hàng. Đơn vị đã chấp hành chế độ chính sách và các quy định về tài chính, đơn vị đã xây dựng và thực hiện chi theo quy chế chi tiêu nội bộ
Giải pháp thực hiện
Để tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp như sau:
Thứ nhất, các bộ, ngành, địa phương xây dựng, trình cấp có thẩm quyền Đề án sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc bộ, ngành, địa phương để triển khai thực hiện ngay nhằm giảm mạnh đầu mối, đặc biệt là kiên quyết giải thể, sáp nhập, cơ cấu lại các đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động không hiệu quả; nâng cao hiệu quả hoạt động các đơn vị sự nghiệp; khắc phục chồng chéo, dàn trải, trùng lắp về chức năng, nhiệm vụ; khẩn trương hoàn tất xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành danh mục dịch vụ sự nghiệp công, định mức kinh tế - kỹ thuật, đơn giá của các dịch vụ sự nghiệp công, tiêu chí đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ và chất lượng dịch vụ.
Thứ hai, tăng thu, tiết kiệm chi. Tích cực thực hiện thu các khoản thu từ hoạt động dịch vụ tư vấn xây dựng, các khoản thu khác theo chức năng nhiệm vụ, tiết kiệm chi từ các khoản thanh toán cá nhân, công tác phí, thanh toán dịch vụ, tiếp khách…
Thứ ba, đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền mục tiêu, ý nghĩa, yêu cầu, nội dung đổi mới cơ chế quản lý, cơ chế tài chính và tổ chức lại hệ thống các đơn vị sự nghiệp công lập đến đội ngũ lãnh đạo, công chức, viên chức, người lao động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị sự nghiệp công lập cần được các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh để tạo sự đồng thuận cao trong quá trình thực hiện.
Thứ tư, đề nghị các cấp có thẩm quyền tiếp tục quan tâm hơn nữa và ưu tiên về nguồn công việc cũng như chỉ đạo các sở ngành, địa phương tạo điều kiện thanh toán kinh phí các hợp đồng tư vấn kịp thời để chủ động hơn trong thực hiện nhiệm vụ chính trị cũng như công tác sản xuất kinh doanh. Từ đó đảm bảo nguồn việc làm thường xuyên và thu nhập ổn định cho cán bộ và người lao động. Đề nghị hỗ trợ nguồn kinh phí chi đầu tư để đơn vị thực hiện việc cải tạo cơ sở vật chất, bổ sung trang thiết bị làm việc đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được UBND tỉnh và Giám đốc Sở Xây dựng giao.
Trực tuyến : 3
Hôm nay : 19
Hôm qua : 320