Hôm nay, Thứ sáu ngày 26/04/2024,

Khánh Thịnh khó khăn trong xây dựng nông thôn mới

Thứ sáu, 08/08/2014
  • Đánh giá cho bài viết:
  • 0 điểm ( 0 đánh giá )

 

Khánh Thịnh (Yên Mô) là một xã nghèo, thuần nông với diện tích tự nhiên 423,4 ha, 1292 hộ, 4018 nhân khẩu. Toàn xã có 308,3 ha đất nông nghiệp, trong đó đất trồng lúa là 289,9 ha…nên ngành nghề chính của người dân nơi đây là canh tác lúa nước. Ngoài ra còn có thêm một số nghề khác như: nề, vặn cún rơm, cói bèo…nhưng quy mô nhỏ.

Trụ sở UBND xã Khánh Thịnh. Ảnh: TG

Trụ sở UBND xã Khánh Thịnh. Ảnh: TG

 

Đồng chí Bùi Đình Mạnh, Chủ tịch UBND xã cho biết: Bước vào thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới (XDNTM), qua khảo sát đánh giá thực trạng nông nghiệp, nông thôn trong toàn xã và so với bộ tiêu chí quốc gia… Khánh Thịnh chí mới có 4/19 tiêu chí đạt. Các tiêu chí quan trọng như: phát triển kinh tế, thu nhập, cơ sở hạ tầng kinh tế-xã hội…đều chưa đạt hoặc đạt rất thấp. Đó là khó khăn lớn của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong xã khi Khánh Thịnh lại là 1 trong 5 xã được chọn làm điểm.

Trước thực trạng và tình hình như vậy, Đảng ủy, HĐND, UBND, Ban chỉ đạo XDNTM xã đã tổ chức nhiều cuộc họp nhằm quán triệt và truyền đạt các văn bản của Trung ương, tỉnh, huyện về Chương trình XDNTM; ban hành các văn bản chỉ đạo; thành lập hệ thống quản lý, chỉ đạo chương trình của xã; đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền bằng nhiều hình thức khác nhau; lập đề án, đồ án quy hoạch XDNTM.

Trên cơ sở đề án, đồ án đã được phê duyệt, UBND xã xây dựng các kế hoạch, chương trình, dự án nhằm phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn gắn với chương trình mục tiêu quốc gia XDNTM. Xã xác định phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân, giảm hộ nghèo là nhiệm vụ trọng tâm và giao trách nhiệm, nhiệm vụ cho các ngành, đoàn thể. Khi mới bắt tay vào XDNTM thu nhập bình quân đầu người chỉ đạt 13,5 triệu đồng/người/năm và sau hơn 3 năm thực hiện đã đạt 21,7 triệu đồng/người/năm. Xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng (đường, trường, trạm, kênh mương, trụ sở nhà văn hóa…) là nhiệm vụ quan trọng không chỉ làm thay đổi bộ mặt của các làng quê mà còn là điều kiện và cơ sở để phát triển kinh tế xã hội, nâng cao đời sống cả về vật chất và tinh thần cho người dân.

Đến hết năm 2013, đường trục xã được bê tông hóa hoặc nhựa hóa 2/4,6 km; đường trục thôn xóm được cứng hóa đạt chuẩn  được 5,9/7,5 km; đường ngõ xóm sạch không lầy lội vào mùa mưa có 5,4/7,6 km; đường nội đồng được cứng hóa có 2,4/35,2 km. Hệ thống thủy lợi đáp ứng được yêu cầu của sản xuất. 100% số hộ được sử dụng điện, 9/10 xóm đã có nhà văn hóa để sinh hoạt hội họp,  67%cơ sở vật chất các trường mầm non,  tiểu học, THCS đạt chuẩn quốc gia. Tổng giá trị nguồn lực đã huy động là 23.293,4 triệu đồng, trong đó: Ngân sách huyện, xã 2.005 triệu (hỗ trợ trực tiếp từ chương trình); nhân dân đóng góp 21.288,4 triệu đồng (có 15.825 triệu đồng tự đầu tư xây dựng công trình hộ gia đình mình, góp xây dựng cơ sở hạ tầng công cộng 2.402 triệu đồng).

Đến hết 6 tháng năm 2014, xã đã có 9 tiêu chí đạt: Quy hoạch, giáo dục, y tế, văn hóa, điện, bưu điện, hệ thống chính trị, an ninh trật tự, hình thức sản xuất. Còn 10 tiêu chí  nữa chưa đạt, nhưng lại là những tiêu chí quan trọng, tiêu chí khó và đòi hỏi cần phải có nguồn lực đầu tư nhằm hướng đến cái đích là xã nông thôn mới vào cuối năm 2015. Như vậy, các tiêu chí về thu nhập, tỷ lệ hộ nghèo, tỷ lệ lao động trong độ tuổi có việc đều chưa đạt.

Vừa qua xã đã thực hiện thành công việc “Dồn điền, đổi thửa” với bình quân 1,6 thửa/hộ. Đây là cơ sở để cho nhân dân phát triển kinh tế, chuyển đổi phương thức canh tác, đưa máy móc vào đồng ruộng, giảm nghèo, tăng thu nhập…nhằm hướng đến mục tiêu đạt giá trị thu nhập bình quân 26 triệu đồng/người/năm vào năm 2015. Các tiêu chí về cơ sở vật chất hạ tầng kinh tế xã hội: Đường giao thông, thủy lợi, trường học, chợ, cơ sở vật chất văn hóa, môi trường, nhà ở dân cư… đều chưa đạt. Những tiêu chí này không khó thực hiện, nhưng lại đòi hỏi phải có nguồn lực,vốn đầu tư lớn. Chỉ tính riêng ở tiêu chí giao thông, thì để đạt được theo chuẩn xã NTM phải cần tới 17.032 tỷ đồng.

Chương trình mục tiêu Quốc gia XDNTM là chương trình lớn, lâu dài, khơi dậy sự hưởng ứng, đóng góp, hỗ trợ  của người dân là cần thiết, nhưng sự hỗ trợ, đầu tư của nhà nước vẫn có vị trí quan trọng, thậm trí có tính quyết định đến sự phát triển và định hướng của phong trào XDNTM ở các vùng quê, nhất là ở xã còn nghèo, thuần nông như Khánh Thịnh.

Đinh Chúc

 

 

Thống kê truy cập
380331

Trực tuyến : 4

Hôm nay : 307

Hôm qua : 507