Hôm nay, Thứ ba ngày 30/04/2024,

Phấn đấu xây dựng TP Ninh Bình xứng tầm là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, lịch sử, du lịch hiện đại và bền vững

Thứ tư, 13/08/2014
  • Đánh giá cho bài viết:
  • 0 điểm ( 0 đánh giá )

Trong những năm qua, thành phố Ninh Bình liên tục được mở rộng cả quy mô, cấp độ và tính chất của đô thị để đáp ứng yêu cầu phát triển. Nằm trong vùng kinh tế đồng bằng sông Hồng, một vùng kinh tế phát triển năng động trong cả nước, Ninh Bình là thành phố vệ tinh, có ảnh hưởng lớn tới sự phát triển của thủ đô Hà Nội và tam giác tăng trưởng các tỉnh trọng điểm phía Bắc.

Thành phố Ninh Bình ngày càng khởi sắc. Ảnh: Thế Minh.
Thành phố Ninh Bình ngày càng khởi sắc. Ảnh: Thế Minh.

 

Ninh Bình còn là đô thị đầu mối giao thông quan trọng cả đường bộ, đường thủy và đường sắt, là cửa ngõ phía Nam của vùng duyên hải Bắc bộ, nối với miền Tây Bắc và Bắc Trung bộ. Đặc biệt, ngày 23-6-2014, Quần thể danh thắng Tràng An đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa, thiên nhiên thế giới, di sản hỗn hợp đầu tiên của Việt Nam và các nước Đông Nam á. Điều này làm cho thành phố Ninh Bình càng có vai trò quan trọng hơn trong việc xác định là một trung tâm lớn của quốc gia về du lịch với nhiều loại hình phong phú, hấp dẫn.

Quá trình xây dựng và phát triển của thị xã Ninh Bình trước đây - thành phố Ninh Bình hiện nay luôn gắn liền với sự phát triển chung của tỉnh Ninh Bình. Thành phố Ninh Bình luôn là trung tâm chính trị, kinh tế, xã hội của tỉnh. Tuy nhiên, trong giai đoạn hợp nhất tỉnh (1976-1992), thị xã Ninh Bình không còn là trung tâm chính trị, kinh tế, xã hội của tỉnh nữa (từ 1977-1981 là thị trấn thuộc huyện Hoa Lư và được tái lập là thị xã thuộc tỉnh Hà Nam Ninh từ tháng 4 năm 1981). Ngày 1 tháng 4 năm 1992, tỉnh Ninh Bình được tái lập, thị xã Ninh Bình chính thức trở lại là trung tâm tỉnh lỵ. Tại thời điểm này, thị xã với quy mô nhỏ bé, diện tích 8,4 km2 với 5 đơn vị hành chính (4 phường, 1 xã). Theo yêu cầu phát triển, năm 1996, thị xã được mở rộng địa giới 10,5 km2 với đơn vị hành chính là 8 phường. Năm 2004, thị xã tiếp tục được mở rộng diện tích thêm 6 xã của huyện Hoa Lư nên tăng diện tích tự nhiên lên 46,75 km2. Ngày 2 tháng 12 năm 2005, Bộ Xây dựng có quyết định công nhận thị xã Ninh Bình là đô thị loại III. Năm 2007, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 19/2007/NĐ-CP thành lập thành phố Ninh Bình với diện tích tự nhiên là 48,365 km2, gồm 10 phường và 4 xã.

Sau 8 năm kể từ khi được công nhận là đô thị loại III, thành phố Ninh Bình đã liên tục được đầu tư, nâng cấp, đạt được nhiều thành tựu trên mọi lĩnh vực như: kinh tế phát triển, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội được đầu tư nâng cấp, chất lượng cuộc sống của người dân thành phố được nâng cao. Nhất là từ năm 2010 đến nay, bức tranh toàn cảnh của thành phố Ninh Bình đã có thêm nhiều màu sắc mới. Sự vận động của cấp ủy, chính quyền và nhân dân thành phố cùng với sự quan tâm giúp đỡ của tỉnh, của Trung ương đã tạo dựng cho thành phố Ninh Bình ngày càng phát triển và mở rộng tầm vóc của mình. Bắt đầu từ kế hoạch phát triển cơ sở hạ tầng, nhất là cơ sở về hạ tầng giao thông, tiến hành chỉnh trang đô thị, xây dựng, mở rộng mặt bằng đô thị và có các chính sách tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế phát triển nên kinh tế thành phố có sự chuyển dịch tích cực theo hướng giảm tỷ trọng nông nghiệp, tăng tỷ trọng dịch vụ, thương mại, du lịch, công nghiệp, xây dựng. Trong giai đoạn 2010-2012, tốc độ tăng GDP bình quân của thành phố đạt 17,66%, thu nhập bình quân đầu người đạt 59,1 triệu đồng/người, hộ nghèo chỉ còn 0,6%. Ngày 20-5-2014, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 279/QĐ-TTg công nhận thành phố Ninh Bình là đô thị loại II trực thuộc tỉnh.

Trong xu thế của sự phát triển mới, với quy mô và tính chất hiện tại, thành phố Ninh Bình rõ ràng là chưa đáp ứng được yêu cầu. Nhất là sau khi Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa và thiên thế giới thì thành phố Ninh Bình cần phải mở rộng hơn cả về quy mô và tính chất đô thị. Đây là nhiệm vụ hết sức nặng nề, trước hết đòi hỏi phải xây dựng cho được quy hoạch thành phố đảm bảo phù hợp với thực tiễn, có tầm nhìn lâu dài, có tính khoa học và khả thi cao. Từ yêu cầu đó, tháng 2 năm 2010, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo xây dựng nhiệm vụ quy hoạch chung thành phố Ninh Bình đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Sau 3 năm tập trung tâm huyết và trí tuệ của cả bộ máy cấp ủy, chính quyền các cấp và sự nỗ lực của các chuyên gia tư vấn, đếnngày 21 tháng 1 năm 2013, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch này. Đồng thời, để đáp ứng yêu cầu tiếp theo, tỉnh đã hợp đồng với đơn vị tư vấn Nikken Sekkei Civil Engineering Ltd (Nhật Bản) làm quy hoạch chung cho thành phố Ninh Bình. Bản Quy hoạch được xây dựng công phu, được lấy ý kiến của các tầng lớp nhân dân trong tỉnh, các chuyên gia, các địa phương và các Bộ, ngành Trung ương thẩm định. Sau đó, tỉnh đã hoàn thiện và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Ngày 28-7-2014, niềm vui lớn đến với Đảng bộ và nhân dân Ninh Bình là Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1266/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch chung đô thị Ninh Bình đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo quyết định, thành phố Ninh Bình mở rộng sẽ có diện tích tự nhiên là 210,52 km2,, gấp hơn 4 lần hiện nay. Bao gồm diện tích thành phố hiện tại và mở rộng thêm toàn bộ huyện Hoa Lư, một số xã của các huyện Gia Viễn, Yên Mô, Nho Quan, Yên Khánh, một phần xã Yên Sơn và phường Tân Bình của thị xã Tam Điệp.

Về tính chất, thành phố Ninh Bình là trung tâm chính trị - hành chính, kinh tế, văn hóa, lịch sử, du lịch của tỉnh, nhưng đồng thời là trung tâm văn hóa - lịch sử, du lịch cấp quốc gia, có ý nghĩa quốc tế; là đô thị đầu mối giao thông, cửa ngõ phía Nam vùng duyên hải Bắc bộ; là địa bàn có vị trí quan trọng về quốc phòng, an ninh. Thành phố Ninh Bình cũng phải là đô thị tăng trưởng xanh, theo hướng bền vững và là đô thị an toàn, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu; là nơi có điều kiện để người dân sống tốt hơn. Về quy mô dân số, thành phố Ninh Bình đến năm 2020 có khoảng 28,5 vạn người và đến năm 2030 có khoảng 40 vạn người. Không gian đô thị được phát triển theo mô hình đô thị đa tâm gồm khu vực đô thị trung tâm và các khu vực đô thị phụ trợ. Khu vực đô thị trung tâm gồm khu đô thị hiện tại của thành phố Ninh Bình và thị trấn Thiên Tôn cùng với các khu đô thị mở rộng về phía Nam (từ tuyến đường Ngô Gia Tự đến tuyến đường cao tốc Bắc - Nam) và khu đô thị mở rộng về phía Bắc (khu vực các xã Ninh Khang, Ninh Mỹ đến sông Hoàng Long ở phía Bắc, sông Đáy ở phía Đông và tuyến đường ĐT 477 kéo dài tránh Quốc lộ 1A ở phía Tây).

Các khu đô thị phụ trợ như khu đô thị Bái Đính; Quần thể danh thắng Tràng An (Cố đô Hoa Lư, khu du lịch Tràng An - Tam Cốc - Bích Động, rừng nguyên sinh đặc dụng Hoa Lư); trung tâm Ninh Hải - Ninh Thắng, Ninh Vân, Mai Sơn. Các khu vực nông thôn bao quanh thành phố hình thành vùng sinh thái nông nghiệp là vùng đệm xanh bảo vệ di sản văn hóa, thiên nhiên thế giới Tràng An. Cùng với định hướng về phát triển không gian đô thị, đất dành cho các lĩnh vực cũng được xác định và quy hoạch đảm bảo yêu cầu phát triển lâu dài. Hệ thống giao thông, các điều kiện về kỹ thuật điện, cấp, thoát nước, hệ thống chiếu sáng, thông tin liên lạc, các giải pháp về môi trường… các dự án đầu tư cũng được quy hoạch, quản lý và triển khai thực hiện tương ứng với không gian theo 2 trục: Đông - Tây với đường và kênh Vạn Hạnh, trục Bắc - Nam với đường Đinh Tiên Hoàng là trục chính sẽ đảm bảo cho cảnh quan, kiến trúc thành phố được xây dựng hài hòa, bền vững, phù hợp với lộ trình phát triển và đầy đủ các tiêu chí của đô thị loại I trong tương lai.

Quy hoạch chung đô thị Ninh Bình đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt có ý nghĩa chiến lược và là dấu mốc quan trọng, tạo tiền đề, động lực để thành phố đổi mới, phát triển hơn nữa. Đây cũng là cơ sở pháp lý nhằm tăng cường công tác quản lý đô thị, đất đai, giao thông, xây dựng… của cấp ủy, chính quyền các cấp đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố và của tỉnh; là căn cứ để xác định việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, thu hút các thành phần kinh tế đầu tư cũng như đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho các ngành kinh tế, nhằm đáp ứng yêu cầu xây dựng và phát triển thành phố ngày càng hiện đại, văn minh.

Trong tương lai không xa, thành phố Ninh Bình sẽ gắn kết với Thủ đô Hà Nội và các tỉnh, thành phố trọng điểm như Hải Phòng, Quảng Ninh, Nam Định, Thanh Hóa… phát huy tối đa lợi thế về địa lý, điều kiện tự nhiên, di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới cùng truyền thống lịch sử của vùng đất Cố đô với nguồn nội lực mới của đô thị Ninh Bình để xây dựng thành phố Ninh Bình trở thành thành phố sinh thái, hiện đại, phát triển bền vững, có bản sắc riêng và có khả năng cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế- xã hội của thành phố trong nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế. Thành phố Ninh Bình sẽ xứng tầm là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, quốc phòng an ninh, là hạt nhân và “đầu tàu” phát triển của cả tỉnh. Thành phố Ninh Bình được mở rộng sẽ thuận lợi cho việc quản lý, đầu tư và khai thác tốt tiềm năng du lịch, dịch vụ trên cơ sở giữ gìn, bảo vệ các giá trị của di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, tôn tạo và phát huy các di tích lịch sử để tạo ra các sản phẩm du lịch có thương hiệu và bản sắc riêng của Ninh Bình.

Để đạt được điều đó, có nhiều việc phải làm, song trước hết là cần tuyên truyền, vận động làm sâu sắc thêm về nhận thức, hành động, về trách nhiệm và tình cảm của các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân trong xây dựng, phát triển thành phố Ninh Bình; giới thiệu, phổ biến công khai quy hoạch, rộng rãi trong nhân dân, để nhân dân hiểu và tạo sự đồng thuận cao trong thực hiện quy hoạch. Đồng thời xây dựng kế hoạch và lộ trình thực hiện quy hoạch, ban hành Quy định quản lý xây dựng theo Đồ án quy hoạch; lập chương trình phát triển đô thị và triển khai ngay quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị phù hợp với quy hoạch; ban hành Quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc theo quy định. Đồng thời phải xây dựng được lộ trình mở rộng các đơn vị hành chính thành phố trong vùng quy hoạch. Từng bước chuẩn bị các điều kiện để thành lập thành phố mới quy mô theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Bên cạnh đó là phải xây dựng được cơ chế, chính sách đồng bộ, phù hợp với điều kiện thực tế để thu hút, huy động nguồn lực đầu tư phát triển thành phố, đảm bảo tính thống nhất, bền vững và đạt hiệu quả cao. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích thu hút đầu tư và thực hiện các dự án đô thị; phân công, phân cấp trách nhiệm cụ thể, rõ ràng, tạo cơ chế quản lý đồng bộ và hiệu quả. Chú trọng khuyến khích xã hội hóa đầu tư kinh doanh các dịch vụ công của đô thị như: thoát nước, xử lý nước thải, rác thải, chiếu sáng… Tập trung làm tốt công tác giải phóng mặt bằng các dự án phát triển đô thị đảm bảo đúng tiến độ, giải quyết việc làm, chuyển đổi ngành nghề tại khu vực mới đô thị hóa; ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng; tạo điều kiện thuận lợi khẩn trương thực hiện các dự án của Trung ương và của tỉnh đầu tư trên địa bàn. Phát triển du lịch, dịch vụ, thương mại, công nghiệp (chủ yếu là công nghiệp sạch), tiểu thủ công nghiệp làm động lực cơ bản thúc đẩy kinh tế phát triển và làm “xương sống” cho sự phát triển đô thị.

 

Về văn hóa, xã hội cần đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa thiết yếu; chú trọng đẩy mạnh việc giáo dục xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh đô thị cho người dân. Gắn việc phát triển kinh tế với công tácbảo vệ môi trường, bảo đảm phúc lợi và an sinh xã hội, nâng cao đời sống nhân dân, phát triển giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ. Tăng cường công tác quản lý nhà nước về đầu tư xây dựng phát triển đô thị. Nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý đô thị của chính quyền đô thị. Nâng cao chất lượng quy hoạch, quản lý quy hoạch và thực hiện các đề án xây dựng đô thị. Tập trung vào xây dựng cơ chế quản lý đô thị, cải cách hành chính. Xây dựng đội ngũ cán bộ xứng tầm, trong đó ưu tiên các lĩnh vực như quản lý môi trường, quản lý đô thị, đầu tư xây dựng cơ bản. Tăng cường quản lý nhà nước trong việc cấp phép xây dựng, nhất là kiểm tra sự tuân thủ các quy định của quy hoạch về kiến trúc và chất lượng công trình. Phát triển kiến trúc đô thị đáp ứng yêu cầu xây dựng và phát triển văn hóa, kinh tế - xã hội trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tạo tiền đề vững chắc cho quá trình hình thành một nền kiến trúc hiện đại, giàu bản sắc, nhất là cảnh quan các khu du lịch.

Đồng thời xây dựng hệ thống chính trị của thành phố vững mạnh, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội đủ sức đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới. Để thành phố Ninh Bình trở thành một đô thị hiện đại, phát triển bền vững, song vẫn giữ được bản sắc cố đô, thành phố Ninh Bình cần khai thác tốt mọi tiềm năng, phát huy nội lực. Đồng thời, trong quá trình xây dựng và phát triển thành phố, tỉnh Ninh Bình mong muốn nhận được sự ủng hộ, giúp đỡ, tạo điều kiện về mọi mặt của các Bộ, ngành Trung ương và của tỉnh, các tỉnh bạn cùng các nhà đầu tư trong và ngoài nước để thành phố phát triển nhanh, mạnh và vững chắc hơn.

Mở rộng thành phố Ninh Bình là nguyện vọng và ý chí của các thế hệ cán bộ lãnh đạo và nhân dân trong tỉnh. Mỗi người dân thành phố Ninh Bình nói riêng và tỉnh Ninh Bình nói chung rất yêu quê hương, đó cũng chính là yêu thành phố và tình yêu đó được nhân lên cùng với sự đi lên của thành phố. Đến nay đã có quy hoạch chung để mở rộng thành phố, tức là chúng ta đã có được tiền đề quan trọng để xây dựng một thành phố đáp ứng yêu cầu của sự phát triển mới.

Rồi một ngày nào đó, theo quy luật của sự kế thừa và phát triển, biết đâu chúng ta sẽ nghĩ tới việc chọn, đặt tên cho thành phố mở rộng này, để cái tên đó mang đầy đủ ý chí, nguyện vọng và niềm tự hào của nhân dân thành phố Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình. Tức là chúng ta quyết tâm xây dựng và gìn giữ được một thành phố đậm đà truyền thống lịch sử, văn hóa song cũng là thành phố hiện đại, văn minh, bền vững luôn hướng tới tầm cao mới. Đó chính là mong ước của người dân vùng đất Cố đô ngàn năm văn hiến.

Bùi Văn Thắng

(Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh)

 

Thống kê truy cập
381438

Trực tuyến : 3

Hôm nay : 76

Hôm qua : 254