Hôm nay, Thứ sáu ngày 26/04/2024,

Bộ Xây dựng họp nghe báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án cấp nước vùng liên tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL)

Thứ sáu, 19/09/2014
  • Đánh giá cho bài viết:
  • 0 điểm ( 0 đánh giá )

Ngày 16/9/2014, tại cơ quan Bộ Xây dựng, Thứ trưởng Cao Lại Quang đã chủ trì buổi họp nghe báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án cấp nước vùng liên tỉnh ĐBSCL. Tham dự cuộc họp còn có đại diện Ban Quản lý dự án phát triển Hạ tầng kỹ thuật (MABUTIP); đơn vị tư vấn – Công ty CP nước & môi trường Việt Nam (Viwase) và đại diện một số Cục, Vụ chức năng Bộ Xây dựng.

Toàn cảnh cuộc họp

Tại cuộc họp, đại diện tư vấn đã tóm tắt lý do và sự cần thiết của Dự án, các mục tiêu cũng như phạm vi lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi. Theo đó, nhiều tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL hiện nay đang phải đối mặt với một thực tế là nguồn nước sinh hoạt khan hiếm với mức độ ngày càng trầm trọng, đặc biệt đối với các tỉnh phía hạ lưu sông Mê Kông. Mặc dù là một phần của vùng sông nước ĐBSCL, nhiều tỉnh hạ lưu sông Hậu vẫn phải khai thác nguồn nước dưới đất để phục vụ sinh hoạt, sản xuất, do nguồn nước mặt bị nhiễm mặn, nhiễm phèn, ô nhiễm do nước thải. Song do thiếu quy hoạch, nguồn nước này hiện đang trong tình trạng bị khai thác quá tải, thiếu sự kiểm soát. Do đó, việc đầu tư xây dựng một hệ thống cấp nước có quy mô liên vùng tỉnh khai thác nguồn nước sông Hậu tại vị trí không bị nhiễm mặn để cấp nước an toàn và ổn định cho các tỉnh ĐBSCL nói chung là yêu cầu vô cùng cấp thiết. Đây cũng là bước thực hiện tiếp theo các nội dung của Quy hoạch cấp nước vùng kinh tế trọng điểm vùng ĐBSCL đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2065/QĐ-TTg ngày 12/11/2010.

Trong báo cáo tiền khả thi, ngoài xác định phạm vi nghiên cứu là khu vực Tây nam sông Hậu gồm 07 tỉnh thành là Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang Bạc Liêu, Hậu Giang, Sóc Trăng, Cà Mau, tư vấn cũng đánh giá cụ thể tính chất cấp nước, có sự phân cấp cho đô thị loại I, loại II, loại III, khu vực ngoại thị; đưa ra các đề xuất kỹ thuật cho hệ thống cấp nước vùng ĐBSCL đến năm 2020 (bao gồm xây dựng 02 nhà máy nước Sông Hậu I với công suất 300.000m3/ngày và Sông Hậu II công suất 350.000m3/ngày; đề xuất phương án tuyến ống truyền tải theo quy hoạch cấp nước vùng, các giải pháp đầu tư…).

Góp ý cho Dự án, đại diện Cục Hạ tầng Kỹ thuật, Cục Quản lý hoạt động xây dựng (Bộ Xây dựng), các chuyên gia phản biện đến từ trường Đại học Xây dựng Hà Nội đều nhất trí với sự cần thiết của việc lập Dự án. Bên cạnh đó, một số ý kiến xung quanh việc lựa chọn vị trí xây nhà máy nước và các tuyến ống; công nghệ áp dụng; nghiên cứu lồng ghép các yếu tố trong kịch bản biến đổi khí hậu (do có ảnh hưởng tới vốn đầu tư, chất lượng nước ngầm) cũng được các thành viên đưa ra thảo luận cùng tư vấn để Dự án được hoàn thiện hơn, tính khả thi và tính thực tế cao.

Kết thúc cuộc họp, Thứ trưởng Cao Lại Quang nhất trí cao với các thành viên, lưu ý tư vấn tiếp thu mọi ý kiến, rà soát lại các chỉ tiêu, số liệu cho phù hợp tình hình thực tế, chuẩn bị tốt cho buổi Hội thảo về Dự án dự kiến sắp tổ chức trong tháng 9/2014.
 

Theo xaydung.gov.vn

Bài viết khác

Thống kê truy cập
380377

Trực tuyến : 8

Hôm nay : 353

Hôm qua : 507