Hôm nay, Thứ sáu ngày 26/04/2024,

Lấy ý kiến về Đồ án Quy hoạch phân khu Khu trung tâm Ninh Vân (khu 4-2) trong Quy hoạch chung đô thị Ninh Bình đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Thứ ba, 09/11/2021
  • Đánh giá cho bài viết:
  • 0 điểm ( 0 đánh giá )

Căn cứ Quyết định số 723/QĐ-UBND ngày 09/07/2021 của UBND Tỉnh Ninh Bình về việc Phê duyệt Nhiệm vụ Quy hoạch phân khu Khu vực trung tâm Ninh Vân (khu 4-2), trong Quy hoạch chung Đô thị Ninh Bình đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Căn cứ theo quy định tại Điều 20 và 21, Luật Quy hoạch đô thị số 30/2009/QH12 về lấy ý kiến về quy hoạch đô thị, Sở Xây dựng tổ chức xin ý kiến cộng đồng dân cư về hồ sơ với đồ án Quy hoạch chung đô thị Gián Khẩu đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050.

Hình ảnh: Quy hoạch sử dụng đất QHPK 4-2

Một số nội dung chính như sau:

I. TÊN ĐỒ ÁN:

Quy hoạch phân khu Khu vực trung tâm Ninh Vân (khu 4-2) trong quy hoạch chung đô thị Ninh Bình đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

II. PHẠM VI VÀ QUY MÔ LẬP QUY HOẠCH

1. Phạm vi ranh giới

Phạm vi ranh giới lập Quy hoạch phân khu khu vực trung tâm Ninh Vân (khu 4-2) trong quy hoạch chung đô thị Ninh Bình đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, cụ thể như sau:

- Phía Bắc: Giáp sông Hệ Dưỡng (phân khu 4-1);

- Phía Tây: Giáp xã Ninh Vân (phân khu 4-4);

- Phía Nam: Giáp xã Ninh Vân và xã Mai Sơn (phân khu 4-3 và 4-4);

- Phía Đông: Giáp QL1A (phân khu 4-4).

2. Quy mô diện tích

- Phạm vi lập quy hoạch: khoảng 360,91ha.

III. TÍNH CHẤT KHU QUY HOẠCH

Là khu vực với các tính chất khu làng xóm hiện hữu cải tạo, chỉnh trang và khu làng nghề đá mỹ nghệ Ninh Vân và các khu vực dân cư phát triển mới. Phát triển loại hình du lịch kết hợp sản xuất đá mỹ nghệ truyền thống, khai thác phát triển dịch vụ, thương mại và sản xuất kinh doanh bền vững, bảo vệ môi trường và cảnh quan khu vực; Cụ thể hóa các định hướng quy hoạch chung đô thị Ninh Bình đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; liên kết đồng bộ hạ tầng với với các phân khu lân cận.
IV. TỔ CHỨC KHÔNG GIAN KIẾN TRÚC CẢNH QUAN

 

Hình ảnh: Tổ chức không gian QHPK 4-2

1. Tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan

- Không gian tổng thể của của phân khu 4-2 là không gian thấp tầng, mật độ thấp; Phát triển cao tầng tại khu vực đường Quốc lộ 1 tránh thành phố Ninh Bình.

- Cải tạo, chỉnh trang hoàn chỉnh kè sông Hệ, các tuyến kênh mương, cải tạo hệ thống cây xanh, mặt nước ven sông, tạo nên hệ sinh thái tự nhiên mới bao bọc khu vực và liên kết thành một không gian xanh trong toàn bộ khu vực nghiên cứu.

- Khu vực phía Tây hình thành hệ thống chức năng làng nghề đá phục vụ du lịch như khu đào tạo nghề, khu giới thiệu sản phẩm... hình thành tổ hợp không gian làng nghề hiện đại. Khu vực này được liên kết với các Trung tâm du lịch khác ở khu vực lân cận bằng tuyến đường Du lịch theo định hướng quy hoạch tổng thể.

- Cải tạo chỉnh trang hệ thống làng xóm, hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội tại khu vực được thiết kế theo tiêu chuẩn để đảm bảo yêu cầu phát triển trong dài hạn. Hệ thống không gian công cộng được tổ chức theo tầng bậc và phân thành cấp đô thị và cấp đơn vị ở.

- Các không gian chức năng được tổ chức để hình thành các tổ hợp không gian, phù hợp với yêu cầu đặc thù của từng khu vực chức năng, được liên kết bằng hệ thống các trục giao thông liên kết tạo nên không gian hài hòa cho toàn bộ khu vực.

- Các khu vực chức năng được bố trí tổ chức đảm bảo hoạt động độc lập và có phương án phát triển mở rộng trong tương lai. Qua đó xác định được các quy định kiểm soát phát triển phù hợp với nhu cầu phát triển trong dài hạn.

- Ưu tiên cây xanh, xây dựng tập trung thành tổ hợp công trình tại các khu vực trung tâm dịch vụ của các khu vực chức năng dọc QL1 đoạn tránh thành phố Ninh Bình. Khuyến khích sử dụng kiến trúc truyền thống, mái dốc, vật liệu địa phương.

- Khu vực nghiên cứu được phát triển theo mô hình cấu trúc một trục trung tâm theo hướng Đông – Tây ở chính giữa, bên cạnh đó còn có ba trục Đông – Tây phụ khác ở trên và dưới trục trung tâm để hỗ trợ cho trục Đông – Tây ở trung tâm. Trục Bắc – Nam có ba tuyến đối ngoại chính bao gồm Tuyến Quốc lộ 1A, Đường Quốc lộ 1 tránh thành phố Ninh Bình và Tuyến đường Du lịch phía Tây. Bên cạnh đó còn có hai trục Bắc – Nam hỗ trợ cho ba tuyến chính này. Hệ thống giao thông hình thành trục liên kết Bắc – Nam và Đông – Tây.

- Khu vực nghiên cứu chia phân chia thành 3 lớp không gian rõ nét. Lớp không gian thứ nhất ven đường Quốc lộ 1A và Đường Quốc lộ 1 tránh thành phố Ninh Bình là không gian ở kết hợp làm dịch vụ, lớp không gian thứ 2 là không gian hỗn hợp giữa Ở - Sản xuất – Dịch vụ và lớp không gian thứ ba là không gian Sản xuất – Giới thiệu sản phẩm. Ba lớp không gian này được liên kết với nhau bằng một trục giao thông chính và hai trục giao thông phụ theo hướng Đông – Tây. Bên cạnh đó còn có tuyến đường đê, đóng vai trò tuyến giao thông vành đai.

2. Phân khu chức năng

Khu vực nghiên cứu được phân thành 05 tiểu khu, cụ thể như sau:

2.1. Khu vực tiểu khu 1

- Diện tích: Khoảng 114,23ha.

- Tính chất: Khu dân cư hiện trạng kết hợp sản xuất – công nghiệp kinh doanh ven đường Quốc lộ 1 tránh thành phố Ninh Bình.

- Định hướng chính đối với khu hiện trạng chỉnh trang:

+ Cải tạo chỉnh trang khu dân cư hiện trạng, bố trí thêm quỹ đất trường mầm non, cây xanh công viên và công trình công cộng… đảm bảo bán kính phục vụ cho người dân.

+ Đối với các khu vực chức năng sản xuất công nghiệp hiện trạng nằm xen kẹp giữa khu dân cư  (khu vực nhà máy Phân Lân Ninh Bình, Công ty Cổ phần Bê tông Cốt liệu, Công ty Cổ phần Sản xuất và Kinh doanh Vật liệu Xây dựng...) hạn chế các hoạt động gây ô nhiễm môi trường, từng bước chuyển đổi thành chức năng hỗn hợp dịch vụ.

+ Khu vực dân cư hiện hữu: Bổ sung quỹ đất công cộng, tổ chức cải tạo, chỉnh trang đáp ứng yêu cầu phát triển đô thị

- Định hướng chính đối với các khu vực mới:

+ Khu vực ven đường Quốc lộ 1 tránh thành phố Ninh Bình: Quy hoạch chức năng Thương mại – Dịch vụ - Hỗn hợp nhằm tạo bộ mặt và điểm nhấn cảnh quan cho Đô thị. Rà soát điều chỉnh các quy hoạch chi tiết, lập mới các quy hoạch chi tiết cho phù hợp định hướng quy hoạch phân khu.

+ Hình thành các nhóm công trình hỗn hợp dịch vụ, kinh doanh sản xuất, thương mại có cao tầng, hiện đại.

2.2. Khu vực tiểu khu 2

- Diện tích: Khoảng 58,64ha.

- Tính chất: Tiểu khu dân cư phát triển mới ven đường Quốc lộ 1 tránh thành phố Ninh Bình. Đây là khu vực phát triển dân cư mới, với hạ tầng kỹ thuật và xã hội đồng bộ, phục vụ cho nhu cầu phát triển quỹ đất ở đô thị.

- Định hướng chính đối với khu hiện trạng chỉnh trang: Cải tạo chỉnh khu vực dân cư hiện trạng, bổ sung các quỹ đất công cộng, cây xanh để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt dân cư hiện hữu.  Quy hoạch các khu dân cư mới ở khu vực đất xen kẹp.

- Định hướng chính đối với các khu vực mới:

+ Phát triển các khu vực đô thị mới đồng bộ hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật, hình thành các khu vực trung tâm công cộng, dịch vụ, cây xanh, thể thao cho khu vực dân cư mới và các khu vực hiện trạng lân cân.

+ Khu vực phía Đông phát triển mới với đầy đủ chức năng, hạ tầng xã hội thiết yếu. Khu vực ven đường Quốc lộ 1 tránh thành phố Ninh Bình ưu tiên phát triển thương mại dịch vụ. Quy hoạch khu chức năng công cộng, giáo dục, cây xanh cấp đô thị theo định hướng của Quy hoạch chung.

+ Khu vực phát triển dân cư: Hình thành khu vực phát triển dân cư đồng bộ hạ tầng, hình thành khu vực đô thị có các công trình hạ tầng xã hội, dịch vụ thương mại tạo điểm nhấn ở khu vực. Khu vực dân cư hiện hữu (dọc QL1A): Tổ chức cải tạo, chỉnh trang đáp ứng yêu cầu phát triển đô thị.

2.3. Khu vực tiểu khu 3

- Diện tích: Khoảng 97,03ha.

- Tính chất: Khu dân cư trung tâm kết hợp dịch vụ - sản xuất. Đây là Khu vực có vị trí trung tâm, được xác định là khu vực phát triển hỗn hợp bao gồm các chức năng dân cư hiện hữu – sản xuất – dịch vụ…

- Định hướng chính đối với khu hiện trạng chỉnh tang:

+ Định hướng cải tạo chỉnh trang, bổ sung thêm các công trình hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật để nâng cao đời sống của người dân, bảo tồn cấu trúc hiện trạng làng xóm. Các khu vực đất trống hình thành khu dân cư mới mật độ thấp khét kín và hoàn thiện không gian làng xóm. Tổ chức không gian kết nối và chuyển tiếp giữa không gian cũ và không gian mới.

+ Quy hoạch các khu chức năng có mật xây dựng và tầng cao thấp, không gian xanh tự nhiên, gần gũi với cấu trúc làng xã nông thôn.

- Định hướng chính đối với các khu vực mới:

+ Khu vực phía Đông phát triển làng nghề đá mỹ nghệ truyền thống, kết hợp với dịch vụ, du lịch trải nghiệm. Bố trí các quỹ đất dịch vụ phục vụ cho làng nghề, khu làng nghề được tổ chức theo nguyên tắc kết nối về không gian, hạ tầng và hoạt động. Khu vực sản xuất được quản lý chặt chẽ về môi trường, giảm thiếu các tác động môi trường đến khu vực dân cư hiện hữu.

+ Hình thành khu vực hỗn hợp dịch vụ đồng bộ với các loại hình thương mại, dịch vụ du lịch, khu giới thiệu sản phẩm mỹ nghệ, các khu đào tạo nghề dọc tuyến đường Du lịch phía Tây.

+ Xây dựng cải tạo hệ thống các khu vực công cộng, cây xanh, hình thành khu vực có không gian cảnh quan đẹp gắn với các công trình tín ngưỡng, tôn giáo… để phục vụ du khách theo phong cách kiến trúc cảnh quan thống nhất. Bố trí đầy đủ các công trình dịch vụ, tiện ích công cộng và các tiện nghi phục vụ du khách.

+ Quy hoạch khu vực các trường học đáp ứng nhu cầu phát triển giáo dục của khu vực quy hoạch theo các giai đoạn.

2.4. Khu vực tiểu khu 4

- Diện tích: Khoảng 70,52ha.

- Tính chất: Khu làng nghề sản xuất tập trung (Cụm công nghiệp thủ công mỹ nghệ nghề đá Ninh Vân).

+ Là khu sản xuất tập trung, là khu vực để chuyển dịch các hộ sản xuất xen kẹp trong khu dân cư hiện hữu. Bổ sung quy hoạch phát triển khu vực sản xuất ở phía Nam của Cụm công nghiệp đá mỹ nghệ hiện trạng để đáp ứng các nhu cầu phát triển sản xuất của làng nghề.

+ Khu làng nghề được tổ chức theo nguyên tắc kết nối về không gian, kết nối về hạ tầng, kết nối về hoạt động, trong đó khuyến khích kết nối hệ thống không gian xanh trong khu làng nghề với hệ thống không gian xanh ven sông Hệ Dưỡng phía Bắc và không gian tuyến đường du lịch phía Nam.

+ Khu vực tiếp giáp với sông Hệ Dưỡng được bố trí khu vực cây xanh cảnh quan ven sông kết hợp làm dịch vụ du lịch, khu sinh thái nông nghiệp. Ưu tiên các dịch vụ du lịch ven sông. Cải tạo chỉnh trang không gian cây xanh mặt nước.

2.5. Khu vực tiểu khu 5

- Diện tích: Khoảng 20,49ha

- Tính chất: Khu sinh thái nông nghiệp tại khu vực phía Tây – Nam của khu vực quy hoạch; có vai trò vùng đệm giữa khu vực làng nghề đá mỹ nghệ Ninh Vân và vùng Quần thể danh thắng Tràng An.

- Quỹ đất nông nghiệp tạo cảnh quan không gian, phát triển mô hình nông nghiệp công nghệ cao.

V. QUY HOẠCH SỬ DỤNG ĐẤT

Diện tích tự nhiên là 360,91ha. Trong đó:

a) Đất đơn vị ở 189,95ha, chiếm 52,63% diện tích quy hoạch.

- Đất nhóm ở 120,78ha, chiếm 33,46% diện tích quy hoạch.

- Đất ở làng xóm đô thị hóa 83,07ha, tầng cao tối đa không quá 5 tầng. Đối  với các công trình hiện trang trong khu vực lập quy hoạch có tầng cao lớn hơn tầng cao không chế tối đa: Vẫn giữ nguyên theo hiện trạng đã xây dựng. Khi tiến hành cải tạo, xây dựng mới phải tuân thủ theo quy định tại đồ án quy hoạch.

- Đất ở phát triển mới 37,71ha, tầng cao tối đa không quá 6 tầng. Các khu vực dọc các trục đường chính, tầng cao tối đa 9 tầng, thiết kế đảm bảo các quy chuẩn, tiêu chuẩn hiện hành.

- Đất công trình công cộng đơn vị ở: 8,72ha, chiếm 2,42% diện tích khu quy hoạch; mật độ tối đa 40%, tầng cao tối đa không quá 5 tầng.

- Đất cây xanh, TDTT đơn vị ở: 6,85ha, chiếm 1,9% diện tích khu quy hoạch, bao gồm: Công viên, vườn hoa, quảng trường, khu vui chơi giải trí, công trình tập luyện TDTT được bố trí tại trung tâm khu ở.

- Đất đường giao thông khu vực: 53,6ha, chiếm 14,85% diện tích khu quy hoạch. Diện tích khu quy hoạch, gồm các đường giao thông nội bộ giữa các lô đất chức năng. Cải tạo mở rộng và chỉnh trang các tuyến giao thông ngõ xóm.

b) Đất ngoài đơn vị ở 123,72ha, chiếm 34,28% diện tích quy hoạch.

- Đất công trình công cộng đô thị: 1,75ha, chiếm 0,48% diện tích khu quy hoạch; mật độ 40%, tầng cao tối đa không quá 9 tầng.

- Đất hỗn hợp thương mại – dịch vụ: 43,78ha, chiếm 12,13% diện tích khu quy hoạch, mật độ 50%. Gồm các công trình:

+ Đất công trình hỗn hợp thương mại - dịch vụ (không bố trí dân cư) khoảng 32,3ha, chiếm 8,95% diện tích khu quy hoạch.

+ Đất công trình hỗn hợp thương mại - dịch vụ (có bố trí dân cư) khoảng 0,98ha, chiếm 0,27% diện tích khu quy hoạch.

+ Đất hỗn hợp thương mại và sản xuất kinh doanh khoảng 10,5ha, chiếm 2,91% diện tích khu quy hoạch.

Khu vực thương mại – dịch vụ dọc đường QL1A đoạn tránh thành phố Ninh Bình có tầng cao tối đa 20 tầng.

- Đất trung tâm giáo dục: 1,7ha, chiếm 0,47% diện tích khu quy hoạch, mật độ 40%.

- Đất tôn giáo, tín ngưỡng: 2,19ha, chiếm 0,61% diện tích khu quy hoạch. Quản lý, sử dụng đất tôn giáo, tín ngưỡng theo các quy định của Luật Tín ngưỡng, tôn giáo và các quy định hiện hành.

- Đất TTCN-làng nghề: 49,79ha, chiếm 13,8% diện tích khu quy hoạch.

- Đất cây xanh đô thị: 7,34ha, chiếm 2,03% diện tích khu quy hoạch.

- Đất giao thông đối ngoại, hạ tầng kỹ thuật: 17,17ha, chiếm 4,76% diện tích khu quy hoạch. Bao gồm các công trình: Trạm bơm, trạm biến áp, khu xử lý rác thải,...

c) Đất khác 47,23ha, chiếm 13,09% diện tích quy hoạch.

- Đất cây xanh sinh thái (đồi núi): 0,83ha.

- Đất cây xanh cách ly: 11,09ha.

- Đất nghĩa trang, nghĩa địa (nghĩa trang, công viên nghĩa trang): 9,14ha.

- Đất nông nghiệp: 14,36ha.

- Đất mặt nước: 10,62ha.

VI. QUY HOẠCH HỆ THỐNG HẠ TẦNG KỸ THUẬT

1.  Quy hoạch hệ thống giao thông

Tuân thủ hệ thống hạ tầng khung giao thông và các công trình đầu mối giao thông theo quy hoạch chung đô thị Ninh Bình.

a) Giao thông đối ngoại

- Quốc lộ 1A: Đoạn đi qua đô thị có thiết kế vỉa hè đảm bảo hành lang an toàn. Lộ giới từng đoạn tuyến tuân thủ theo định hướng trong quy hoạch giao thông vận tải tỉnh Ninh Bình.

- Tuyến đường tránh QL1 thành phố Ninh Bình: Thực hiện theo dự án đầu tư xây dựng được cấp có thẩm quyền phê duyệt; quy hoạch hệ thống đường gom để phục vụ cho phát triển kinh tế xã hội. Đi qua khu vực lập quy hoạch có ký hiệu mặt cắt A-A, quy mô lộ giới 55m.

- Tuyến đường du lịch – đường tỉnh ĐT 480: Quy mô toàn tuyến 04 làn xe; đoạn đi qua khu vực lập quy hoạch có các mặt cắt ký hiệu mặt cắt 2-2, 2A-2A và 2B-2B (qua khu vực dân cư có đường gom).

b) Giao thông đường thủy: Khai thác tối đa luồng tuyến sông Vân - sông Hệ Dưỡng kết nối với trung tâm thành phố Ninh Bình, nâng cấp cải tạo luồng tuyến đảm bảo phục vụ cho sản xuất và du lịch. Bố trí cảng thủy nội địa sông Hệ và sông Vân phục vụ sản xuất và du lịch

2. Quy hoạch cao độ nền và thoát nước mặt

- Giải pháp công trình thủy lợi và phòng chống lũ lụt:

+ Nâng cấp và xây mới đoạn đê sông Hệ Dưỡng đi qua địa bàn phân khu, theo định hướng Quy hoạch thủy lợi tỉnh Ninh Bình đạt tiêu chuẩn đê cấp V, với cao trình đỉnh đê thiết kế đảm bảo chống lũ ứng với tần suất P=5% là H=3,2m.

+ Xây mới các cống qua đê và trạm bơm đã xuống cấp như: cống và trạm bơm Ninh Vân (công suất trạm bơm 4x2400m3/h); cống và trạm bơm Cống Đình (công suất trạm bơm 2x2400m3/h); cống và trạm bơm Cửa Định (công suất trạm bơm 4x2400m3/h).

+ Điều chỉnh hướng tuyến các trục tiêu chính và các kênh dẫn về trạm bơm Ninh Vân, Cửa Định phù hợp với định hướng sử dụng đất. Các trục tiêu này có kết nối liên thông với các kênh trạm bơm nhằm đảm bảo tiêu thoát nước an toàn cho toàn khu vực nghiên cứu.

- Giải pháp về cao độ nền: Cao độ xây dựng Hxd ≥ 2,4m, đối với khu vực xây dựng dân dụng. Cao độ xây dựng Hxd ≥ 2,6m, đối với khu vực xây dựng công nghiệp. Cao độ xây dựng Hxd ≥ 1,5m, đối với khu vực công viên, cây xanh, TDTT.

- Giải pháp thoát nước mặt: Lựa chọn hệ thống thoát nước mưa riêng biệt với nước thải. Mạng lưới thoát nước: Hướng thoát nước được thu vào hệ thống thoát nước đặt dọc theo mạng lưới giao thông. Hệ thống thoát nước mưa được thu gom rồi thoát ra sông Hệ Dưỡng, sông Vó.

- Lưu vực: khu vực nghiên cứu được chia làm 03 lưu vực thoát nước chính:

+ Lưu vực 1: Toàn bộ tiểu khu làng nghề, lưu vực này thoát nước về các mương hở dẫn về trạm xử lý nước thải tập trung trước khi được tiêu ra sông Hệ Dưỡng qua cống hoặc bơm tiêu qua trạm bơm Cống Đình (công suất 2 x 2400m3/h).

+ Lưu vực 2: Lưu vực này thoát nước về các mương hở, tiêu ra sông Hệ Dưỡng qua cống hoặc 02 trạm bơm tiêu Ninh Vân (công suất 4 x 2400 m3/h) và trạm bơm Cửa Định (công sất 4 x 2400m3/h).

+ Lưu vực 3: Lưu vực này nước mưa theo các mương cống hiện trạng thoát ra kênh tiêu và ra sông Hệ Dưỡng và Vó. Khi mực nước 02 sông dân cao thì nước mưa sẽ được hỗ trợ thoát theo kênh trục ngang dẫn về kênh Ninh Vân và kênh Cửa Định để tiêu qua 02 trạm bơm Ninh Vân và Cửa Định.

- Cao độ đáy cống, giếng thăm của hệ thống thoát nước mưa đảm bảo thoát nước tự nhiên và khớp nối đồng bộ với khu vực lân cận.

3. Quy hoạch hệ thống cấp nước

- Nguồn cấp nước: Khu vực quy hoạch được cấp từ hệ thống cấp nước khu vực theo định hướng quy hoạch chung đô thị Ninh Bình.

- Mạng lưới cấp nước: Mạng lưới cấp nước phân phối khu vực có đường kính D110 đến D315 đấu nối cấp nước từ đường ống truyền tải từ NMN Ninh Bình đến. Các tuyến ống cấp nước dịch vụ được cấp nước từ các tuyến ống cấp nước phân phối khu vực thực hiện theo dự án và các quy hoạch chi tiết.

- Cứu hỏa: Bố trí các họng cứu hoả dọc theo tuyến ống cấp nước phân phối đường kính từ D110mm trở lên. Khoảng cách giữa các họng cứu hoả được xác định theo quy định, quy phạm hiện hành; các công trình hỗn hợp thương mại dịch vụ và nhà ở xã hội có hệ thống chữa cháy riêng theo quy định.

- Khi triển khai thực hiện dự án, Chủ đầu tư liên hệ trực tiếp với các cơ quan chuyên ngành cấp nước để thỏa thuận vị trí đấu nối và các chỉ tiêu kỹ thuật

4. Quy hoạch hệ thống thoát nước thải và quản lý chất thải rắn

a) Quy hoạch hệ thống thoát nước thải

- Mạng lưới thu gom: Sử dụng hệ thống thoát nước riêng hoàn toàn.

- Hướng thoát nước được thu vào hệ thống thoát nước đặt dọc theo mạng lưới giao thông có kích thước cống D315-D500, nước thải được thu gom dẫn về hệ thống thoát nước thải và dẫn về trạm xử lý Ninh Vân theo quy hoạch chung đô thị Ninh Bình có công suất 6.000m3/ngđ và trạm xử lý nước thải làng nghề công suất 1.000m3/ngày (quy mô công suất các trạm xử lý xác định theo dự án đầu tư được phê duyệt). Nước sau xử lý đảm bảo môi trường theo quy định được xả vào hệ thống thủy lợi gần khu vực trạm xử lý.

b) Quản lý chất thải rắn

- Chất thải rắn sinh hoạt được phân loại tại nguồn và được thu gom đưa về địa điểm tập kết của khu vực, bố trí 03 trạm trung chuyển CTR sinh hoạt tại các khu vực cây xanh và 01 trạm trung chuyển CTR (phục vụ chất thải rắn từ hoạt động làng nghề đá) tại vị trí gần trạm xử lý nước thải Ninh Vân). CTR khu vực thiết kế sau thu gom chuyển về các khu xử lý CTR tập trung của tỉnh tại thành phố Tam Điệp.

- Chất thải rắn sản xuất: Yêu cầu thu gom, vận chuyển chất thải rắn đưa về trạm trung chuyển chất thải rắn theo định hướng quy hoạch phân khu và vận chuyển, xử lý theo quy hoạch quản lý chất thải rắn.

c) Quản lý nghĩa trang: Trong giai đoạn đầu, tiếp tục sử dụng các nghĩa trang hiện trạng đến khi lấp đầy. Về dài hạn khu vực nghiên cứu sẽ sử dụng các nghĩa trang cấp tỉnh.

- Khi triển khai thực hiện, Chủ đầu tư liên hệ trực tiếp với các cơ quan chuyên ngành để thỏa thuận vị trí đấu nối và các chỉ tiêu kỹ thuật.

5. Quy hoạch hệ thống cấp điện và chiếu sáng đô thị

- Nguồn điện:  Giai đoạn đầu cấp điện từ mạch vòng 22kV- trạm 110kV Phúc Sơn, 2x40MVA. Giai đoạn dài hạn xây mới trạm 110kV Ninh Vân 63MVA cấp cho khu vực và bổ sung nguồn cho các khu vực lân cận.

- Trạm biến áp phân phối: Cải tạo nâng công suất các trạm biến áp hiện có và quy hoạch bổ sung 24 trạm tổng công suất khoảng 25-30mVA. Từng bước chuyển cấp điện áp về 22KV.

- Mạng lưới điện: Lưới trung thế được bố trí đi ngầm cấp cho các trạm biến áp trong khu quy hoạch. Lưới điện hạ thế và chiếu sáng: Hệ thống đường dây hạ thế sinh hoạt và chiếu sáng từ các trạm biến áp đi ngầm dọc theo các đường giao thông, cấp điện cho các khu vực.

- Khi triển khai thực hiện, Chủ đầu tư liên hệ trực tiếp với các cơ quan chuyên ngành cấp điện để thỏa thuận vị trí đấu nối và các chỉ tiêu kỹ thuật.

6. Quy hoạch hệ thống thông tin liên lạc:

- Nguồn cấp hệ thống thông tin liên lạc: Nâng cấp cải tạo tổng đài vệ tinh khu vực Cầu Yên lên 40.000 lines theo định hướng Quy hoạch chung.

- Mạng lưới hệ thống: Từ tủ chính các lộ cáp quang trục phân phối cáp đến các tủ cáp của các lô đất chức năng và các tủ cáp phân phối. Toàn bộ các tuyến cáp được phân phối từ tủ cáp chính đi ngầm dọc theo các đường giao thông cấp cho các thuê bao của từng khu chức năng.

- Khi triển khai thực hiện, chủ đầu tư liên hệ trực tiếp với các đơn vị cung cấp hệ thống thông tin liên lạc để thỏa thuận vị trí đấu nối và các chỉ tiêu kỹ thuật.

7. Giải pháp bảo vệ môi trường

- Giải pháp quy hoạch:

+ Kiểm soát ô nhiễm môi trường khu vực tiểu thủ công nghiệp: Kiểm soát và xử lý chất thải từ làng nghề và sản xuất đá mỹ nghệ; đầu tư công nghệ sạch hơn; Thiết lập hành lang xanh cách ly.

+ Kiểm soát ô nhiễm khu dân cư và trung tâm thương mại: đầu tư đồng bộ hạ tầng thu gom và xử lý chất thải (nước thải, CTR).

+ Bảo vệ và hồi phục hệ sinh thái nông nghiệp, kênh rạch, sông....vv: Bảo vệ diện tích hệ sinh thái nông nghiệp; nghiêm cấm san lấp, lấn chiếm kênh rạch và sông; thiết lập cây xanh dọc quốc lộ, hai bên bờ sông và kênh rạch.

+ Khu vực hạn chế phát triển: Khu vực bảo tồn cảnh quan, khu tín ngưỡng, tôn giáo; khu vực an ninh quốc phòng, nghĩa trang, đầu mối hạ tầng;

- Giải pháp kỹ thuật và chính sách quản lý:

+ Đầu tư hệ thống xử lý nước thải riêng và chất lượng nước trước khi thải ra môi trường đạt tiêu chuẩn theo quy định.

+ Áp dụng công nghệ sản xuất sạch, hiện đại, lắp đặt các thiết bị xử lý chất thải tại các khâu phát sinh ô nhiễm từ sản xuất nghề đá mỹ nghệ (như hệ thống hút bụi, hệ thống phun hơi nước, hệ thống lọc bụi kiểu tay áo....vv)

+ Giảm thiểu ô nhiễm bụi và tiếng ồn bằng việc gia tăng trồng cây xanh khuôn viên KCN, tuyến giao thông,.... ;

+ Khống chế bụi và tiếng ồn từ hoạt động giao thông như che bạt kín các phương tiện vận chuyển vật liệu xây dựng, thường xuyên có xe tưới nước dập bụi các đoạn đường làng nghề....;

+ Địa phương cần có cơ chế chính sách tạo điều kiện cho các cơ sở sản xuất của làng nghề vay vốn ưu đãi để phát triển sản xuất, thay đổi công nghệ theo hướng thân thiện với môi trường.

Link tải file Hồ sơ đồ án Quy hoạch phân khu Khu trung tâm Ninh Vân (khu 4-2) trong Quy hoạch chung đô thị Ninh Bình đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và phiếu lấy ý kiến: https://www.mediafire.com/file/cz0w8xh1eqsyt0z/ho_so_QHPK_4-2_202111190452451910.rar/file

Địa chỉ nhận Phiếu góp ý kiến xin gửi về địa chỉ:

- Sở Xây dựng, số 15 đường Trần Hưng Đạo, thành phố Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình

- Hòm thư: chault.xd@ninhbinh.gov.vn

Bài viết khác

Thống kê truy cập
380411

Trực tuyến : 7

Hôm nay : 387

Hôm qua : 507