Hôm nay, Thứ bảy ngày 27/04/2024,

Kết luận của Ban Chỉ đạo cải cách hành chính (CCHC) của Chính phủ tại Phiên họp thứ 6 ngày 14/11/2023

Thứ ba, 28/11/2023
  • Đánh giá cho bài viết:
  • 5 điểm ( 1 đánh giá )

Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo số 489/TB-VPCP kết luận của Ban Chỉ đạo cải cách hành chính (CCHC) của Chính phủ tại Phiên họp thứ 6 ngày 14/11/2023.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang ghi nhận những kết quả nổi bật như:

a) Công tác chỉ đạo, điều hành đã tập trung vào nhũng vấn đề trọng tâm, trọng điểm, có nhiều vướng mắc để tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều Nghị quyết, Chỉ thị, Công điện đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về đất đai, bất động sản, tiếp cận tín dụng, trái phiếu doanh nghiệp, mỏ khoáng sản...; Thành lập 05 Tổ công tác và 26 đoàn công tác của Chính phủ làm việc với địa phương để đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công, tháo gờ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Vai trò người đứng đầu trong cải cách hành chính từng bước được cải thiện, phát huy, 63/63 địa phương đã kiện toàn Ban Chỉ đạo CCHC; người đứng đầu các sở, ngành, Ủy ban nhân dân cấp huyện tại một số địa phương đã ký cam kết hoàn thành tốt nhiệm vụ CCHC được giao.

b) Công tác cải cách thể chế, xây dựng pháp luật được đặc biệt quan tâm, nhiều vướng mắc về sản xuất kinh doanh, tài khóa, tiền tệ, bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp... được tháo gỡ như đã nêu trên. Từ đầu năm đến nay, Chính phủ đã tổ chức 08 phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật, ban hành 79 Nghị định; Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 27 Quyết định quy phạm.

c) Cải cách thủ tục hành chính (TTHC), cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh được đẩy mạnh: Từ năm 2021 đến nay, đã cắt giảm, đơn giản hóa gần 2.500 quy định kinh doanh. Các bộ đã cắt giảm, đơn giản hóa 437 TTHC liên quan đến giấy tờ công dân; 21/22 bộ và 61/63 địa phương đã công bố danh mục TTHC nội bộ. Chính phủ đã báo cáo Quốc hội, báo cáo Bộ Chính trị về 02 Nghị quyết liên quan đến áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu và chính sách hỗ trợ đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao để tạo môi trường đầu tư thuận lợi cho các nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư lớn, nhà đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao.

d) Cải cách tổ chức bộ máy được triển khai quyết liệt, có nhiều chuyển biến tích cực: Nghị định về tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn của các bộ, ngành cơ bản hoàn thành, đang vận hành ổn định. Đa số các bộ, ngành đã hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của các tổ chức bên trong; 63/63 địa phương cơ bản hoàn thành rà soát, sắp xếp tổ chức bên trong các sở, ngành; bộ máy tổ chức đã được tinh gọn đáng kể. Quy định về thành lập, tổ chức và hoạt động của tổ chức phối hợp liên ngành được sửa đổi, bổ sung phù hợp với thực tiễn.

đ) Một số thể chế, chính sách quan trọng về công vụ, công chức được ban hành, như Nghị định số 73/2023/NĐ-CP ngày 29 tháng 9 năm 2023 của Chính phủ về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung; Chiến lược quốc gia về thu hút, trọng dụng nhân tài; đã bãi bỏ 10 Thông tư về tuyển dụng, nâng ngạch công chức, thăng hạng viên chức.

e) Chuyển đổi số quốc gia, xây dựng Chính phủ số được triển khai quyết liệt, nhất là việc ban hành văn bản triển khai thi hành Luật Giao dịch điện tử; tăng cường chất lượng dịch vụ công; triển khai Đề án 06.

Tại thông báo cũng thẳng thắn nhận định những mặt còn tồn tại, hạn chế: (1) Nhận thức về tầm quan trọng, sức lan tỏa và hiệu quả công tác cải cách hành chính của người đứng đầu một số cơ quan, đơn vị, địa phương còn hạn chế; (2) Tình trạng nợ đọng văn bản quy định chi tiết, thi hành luật, pháp lệnh chưa được khắc phục triệt để; (3) Cải cách TTHC còn nhiều thách thức, thủ tục còn rườm rà; việc công bố, công khai còn chậm, chưa nghiêm; việc triển khai phương án đơn giản hóa TTHC còn rất chậm; việc đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh, TTHC nội bộ chưa đạt yêu cầu; cung cấp dịch vụ công trực tuyến ở một số nơi còn hình thức, chưa thuận lợi...; (4) Việc sắp xếp, tổ chức lại bộ máy tổ chức ở một số nơi còn mang tính cơ học, hiệu quả hoạt động chưa cao; (5) Kỷ luật, kỷ cương hành chính chưa nghiêm; vẫn xảy ra tình trạng công chức né tránh, đùn đẩy trách nhiệm trong xử lý công việc hoặc gây phiền hà, sách nhiễu, tiêu cực khi giải quyết TTHC cho người dân, doanh nghiệp; (6) Cơ chế tự chủ tại đơn vị sự nghiệp công lập vẫn còn bất cập; xã hội hóa dịch vụ sự nghiệp công chưa có nhiều đột phá; (7) Xây dựng Chính phủ điện tử ở nhiều bộ, ngành chưa đáp ứng yêu cầu. Một số nhiệm vụ triển khai Đề án 06 còn chậm, nhất là các điểm nghẽn về hạ tầng, dịch vụ công, dữ liệu và thể chế chậm được khắc phục.

Thông báo đưa ra 11 nhiệm vụ giải pháp trong thời gian tới cần nỗ lực thực hiện: Đẩy mạnh triển khai một cách toàn diện, đồng bộ đối với 06 nội dung về CCHC (cải cách thể chế, cải cách TTHC, cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, cải cách chế độ công vụ, cải cách tài chính công, xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số); tăng cường nguồn lực cho cấp cơ sở để tạo đột phá cho công tác này; Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp làm Trưởng Ban chỉ đạo CCHC của Bộ, cơ quan, địa phương; trực tiếp chỉ đạo công tác CCHC, xây dựng thể chế, cải cách TTHC, nhất là các địa phương tăng cường đối thoại để trực tiếp nắm bắt và chỉ đạo xử lý tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho người dân và doanh nghiệp; Tập trung rà soát, hoàn thiện các quy định pháp luật để triển khai có hiệu quả Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi); Khẩn trương rà soát, hoàn thiện việc sửa đổi, bổ sung các quy định để phục vụ triển khai có hiệu quả Đề án 06; Tiếp tục nghiên cứu ban hành, triển khai có hiệu quả các chính sách giảm phí, lệ phí, nhất là giảm thời gian giải quyết TTHC để khuyến khích người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến…

Thống kê truy cập
380766

Trực tuyến : 6

Hôm nay : 233

Hôm qua : 509