Hôm nay, Thứ bảy ngày 27/04/2024,

Sinh hoạt chính trị dưới nghi thức chào cờ đầu tuần tháng 10/2023

Thứ hai, 02/10/2023
  • Đánh giá cho bài viết:
  • 0 điểm ( 0 đánh giá )

Sáng ngày 02/10/2023, Sở Xây dựng đã trang nghiêm tổ chức sinh hoạt chính trị dưới nghi thức chào cờ đầu tuần tháng 10/2023. Dự buổi sinh hoạt chính trị có đồng chí Cao Trường Sơn, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở cùng toàn thể các cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc Sở.

Tại buổi sinh hoạt, đồng chí Đinh Thị Thúy Hà, Kế toán Văn phòng Sở đã trình bày câu chuyện “Cán bộ nữ phải tự học tập nâng cao trình độ” theo lời kể của bà Hà Thị Quế, nguyên Hội trưởng Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam. (Trích trong cuốn 128 câu chuyện kể về Chủ tịch Hồ Chí Minh do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Ninh Bình biên soạn). 

Trong cuộc đời cách mạng đầy chông gai, thử thách, song rất đỗi vĩ đại của mình, Bác Hồ luôn dành cho phụ nữ những tình cảm đặc biệt. Khi nước nhà đắm chìm trong đêm trường nô lệ, Người đã chỉ ra nỗi khổ đau, bị ngược đãi, bị chà đạp của người phụ nữ, đặc biệt sự bạo ngược của bọn quan lại thống trị đã làm cho thân phận những người phụ nữ ở thuộc địa không chỉ đớn đau mà còn thấp hèn hơn.

Hơn ai hết, Người hiểu và đồng cảm với thân phận của người phụ nữ. Bác kính yêu từng trao tặng cho chị em phụ nữ Việt Nam tám chữ vàng “Anh hùng – Bất khuất – Trung hậu – Đảm đang”, đến nay các tư tưởng quan điểm của Bác đối với phụ nữ Việt Nam vẫn còn nguyên giá trị, những tình cảm mà Bác dành phụ nữ Việt Nam được thể hiện thông qua nhiều những mẫu chuyện, và mẫu chuyện nhỏ “Cán bộ nữ phải tự học tập nâng cao trình độ” sẽ cho chúng ta hiểu rõ hơn về Bác.

Thấm nhuần những tư tưởng, tình cảm của Chủ tịch Hồ Chí Minh dành cho phụ nữ Việt Nam, Đảng, Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách để bảo vệ quyền lợi của phụ nữ và tạo mọi điều kiện thuận lợi để chị em vươn lên khẳng định mình. Cụ thể: năm 1981, Việt Nam đã phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về xoá bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (CEDAW). Ngày 12/7/1993, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TW về “Đổi mới và tăng cường công tác vận động phụ nữ trong tình hình mới”; “phụ nữ cần kết hợp hài hoà công việc gia đình với công tác xã hội”…Quan điểm ấy tiếp tục được thể hiện trong Chỉ thị số 37-CT/TW của Ban Bí thư ngày 16/5/1994 về công tác cán bộ nữ; được cụ thể hoá trong "Chiến lược quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam” do Chính phủ công bố ngày 4/10/1997. Ngày 29/6/2006, Quốc hội khoá XI, kỳ họp thứ 10 đã thông qua Luật Bình đẳng giới. Hiến pháp năm 2013 Điều 23 ghi rõ: “công dân nam nữ bình đẳng về mọi mặt. Nhà nước có chính sách bảo đảm quyền và cơ hội bình đẳng giới. Nhà nước, xã hội và gia đình tạo điều kiện để phụ nữ phát triển toàn diện, phát huy vai trò của mình trong xã hội. Nghiêm cấm phân biệt đối xử về giới”. Những văn bản pháp lý có ý nghĩa quan trọng trong đời sống chính trị, xã hội đã góp phần tạo được môi trường, điều kiện thuận lợi để phụ nữ ngày càng khẳng định vị thế, vai trò và có nhiều cơ hội đóng góp cho gia đình, cộng đồng, xã hội.

Trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước, phụ nữ Việt Nam đã có những cống hiến, đóng góp to lớn, góp phần xây dựng và bảo vệ non sông gấm vóc của Tổ quốc, tạo dựng nên truyền thống vẻ vang: “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”. Trong thời kỳ đổi mới đất nước, chính những đóng góp to lớn của phụ nữ Việt Nam đang góp phần vào khẳng định “đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế” như bây giờ. Phụ nữ Việt Nam luôn có ý thức giữ gìn, phát huy truyền thống của dân tộc, chủ động, sáng tạo hưởng ứng các phong trào thi đua của đất nước và của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, chăm lo, vun đắp hạnh phúc gia đình, nỗ lực vươn lên trong cuộc sống. Phụ nữ càng ngày càng có vai trò, vị thế quan trọng, tham gia tích cực trong các lĩnh vực của đời sống xã hội… để không phụ lòng tin yêu và sự kỳ vọng của Bác, đồng thời, góp phần hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước của cả dân tộc, đáp ứng yêu cầu của thời kỳ hội nhập quốc tế sâu rộng và Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, góp phần thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Tại Sở Xây dựng Ninh Bình, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động Sở nói chung cũng như đội ngũ cán bộ nữ nói riêng luôn nhận được sự quan tâm của cấp ủy, ban lãnh đạo; tạo điều kiện cử tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao trình độ chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ; được bổ nhiệm giữ các chức vụ lãnh đạo, quản lý; được giao các nhiệm vụ phù hợp với năng lực, sở trường để hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ; được đi tham quan, học tập kinh nghiệm tại các cơ quan đơn vị trong và ngoài tỉnh.

Nhân dịp buổi sinh hoạt chính trị dưới nghi thức chào cờ đầu tuần, Sở Xây dựng đã biểu dương 05 cá nhân được các cơ quan, đơn vị đánh giá, bình xét, suy tôn có thành tích tiêu biểu, xuất sắc trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh./.

Thống kê truy cập
380884

Trực tuyến : 2

Hôm nay : 351

Hôm qua : 509