Hôm nay, Thứ sáu ngày 19/04/2024,

Sinh hoạt chính trị dưới nghi thức chào cờ đầu tuần tháng 2 năm 2020

Thứ hai, 03/02/2020
  • Đánh giá cho bài viết:
  • 0 điểm ( 0 đánh giá )

Sáng ngày 03/02/2020, toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động cơ quan Sở Xây dựng đã có mặt đông đủ tại hội trường để thực hiện lễ chào cờ sáng thứ 2 tuần đầu tiên của tháng 2.

Trong trang phục gọn gàng, lịch sự, mọi người đã hát vang bài Quốc ca. Sau nghi thức chào cờ, đồng chí Bí thư Chi bộ đã kể một câu chuyện về tấm gương đạo đức, phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh đó là “Bức Thư huyết lệ”:

“8 giờ đêm - một đêm tháng Chạp năm 1946 - bác sĩ Vũ Đình Tụng phải mổ một trường hợp chiến thương quá đặc biệt và rất đau lòng: một chiến sĩ "sao vuông" rất trẻ, tuy vết thương nặng, đạn xé tung cả một khúc ruột mà miệng vẫn mỉm cười, cái nụ cười quá quen thuộc và thân thương đối với bác sĩ. Anh tự vệ Thủ đô ấy, người chiến sĩ gan góc ấy lại chính là Vũ Văn Thành, con trai út của bác sĩ.

Suốt ngày hôm ấy, tôi đã phải mổ cưa gắp đạn và khâu vết thương cho hàng chục chiến sĩ nhưng đến trường hợp con tôi, thần kinh tôi căng lên một cách kinh khủng. Mấy người giúp việc khuyên tôi nên nghỉ tay, nhưng tôi vẫn cố kìm mình để giữ bình tĩnh gắp mảnh đạn cuối cùng trong thân thể người con. Xong việc, tôi loạng choạng rời khỏi bàn mổ.

Các bác sĩ và những người giúp việc đã cố gắng nhiều, nhưng vết thương do quân thù gây ra quá nặng đã cướp đi mất Thành, con trai của tôi, anh của Thành là Vũ Đình Tín, tự vệ chiến đấu cũng vừa bị mất sau ngày Tổng khởi nghĩa, tôi đau đớn đến bàng hoàng.

Một buổi chiều trời rét lắm, sau đêm Nôen cuối cùng ở bệnh viện Bạch Mai, bị bom đạn tàn phá, vào lúc tôi mổ xong một ca thương binh nhẹ thì bác sĩ Trần Duy Hưng, lúc bấy giờ giữ chức Thứ trưởng Bộ Nội vụ trân trọng trao cho tôi một bức thiếp của Hồ Chủ tịch. Tôi cảm động quá. Mới đầu tôi cứ ngỡ là một mệnh lệnh mới của Người. Nhưng thật không ngờ, đó lại là một bức thư riêng đầy tình cảm lớn lao của Bác chia đau thương với gia đình tôi. Khi đó, Bác gọi tôi là "Ngài".

"Thưa Ngài,

Tôi được báo cáo rằng: con giai Ngài đã oanh liệt hy sinh cho Tổ quốc.

Ngài biết rằng tôi không có gia đình, cũng không có con cái. Nước Việt Nam là gia đình của tôi. Tất cả thanh niên Việt Nam là con cháu của tôi. Mất một thanh niên thì hình như tôi đứt một đoạn ruột.

Nhưng cháu và anh em thanh niên khác dũng cảm hy sinh để giữ gìn đất nước - Thế là họ đã làm rạng rỡ dân tộc, vẻ vang giống nòi. Họ chết cho Tổ quốc sống mãi, tinh thần họ luôn luôn sống với non sông Việt Nam.

Họ là con thảo của Đức Chúa, họ đã thực hiện cái khẩu hiệu: Thượng đế và Tổ quốc.Những thanh niên đó là anh hùng dân tộc. Đồng bào và Tổ quốc sẽ không bao giờ quên ơn họ.

Ngài đã đem món quà quý báu nhất là con của mình, sẵn sàng hiến cho Tổ quốc. Từ đây, chắc Ngài sẽ thêm ra sức giúp việc kháng chiến để bảo vệ nước nhà thì linh hồn cháu ở trên trời cũng bằng lòng và sung sướng.

Tôi thay mặt Chính phủ cảm ơn Ngài, và gửi Ngài lời chào thân ái và quyết thắng.

Tháng 1-1947

Hồ Chí Minh"

Bận trăm công nghìn việc là thế mà Bác vẫn nghĩ đến và chia sẻ sự hy sinh mất con của Bác sĩ Vũ Đình Tụng, một gia đình đang có cái tang đau lòng như hàng vạn gia đình khác: “Ngài biết rằng tôi không có gia đình, cũng không có con cái. Nước Việt Nam là gia đình của tôi. Tất cả thanh niên Việt Nam là con cháu của tôi. Mất một thanh niên thì hình như tôi đứt một đoạn ruột”.

Bác vĩ đại đến nhường nào thì cũng bình dị bằng ấy. Tình thương của Người bao la vô bờ bến nhưng cũng gần gũi như những gì thân quen nhất đối với mỗi gia đình Việt Nam. Bao thế hệ người con đất Việt đã ngã xuống theo tiếng gọi “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Máu của các anh hòa vào dòng sông, con suối, di hài anh bồi đắp đất quê hương để rồi lại tiếp tục trở thành nguồn sống cho thế hệ tiếp theo trong biết bao trận đánh. Hào hùng quá! Đằng sau nụ cười ngày chiến thắng là những dòng nước mắt chảy ngược, là nỗi “đau đớn đến bàng hoàng” của những người cha, người mẹ mất con như Bác sĩ Vũ Đình Tụng. Xót xa thay! Căm thù thay! Đau nỗi đau chung của nhân dân, Bác Hồ đã nghẹn ngào “Mất một thanh niên thì hình như tôi đứt một đoạn ruột” vì “Nước Việt Nam là gia đình của tôi. Tất cả thanh niên Việt Nam là con cháu của tôi”.

Cả cuộc đời Bác Hồ vì nước, vì dân không màng xây đắp hạnh phúc riêng cho mình. Nhớ lần Bác quây quần bên các con của đồng chí Trường Chinh, chúng con thấy Bác rất vui mà sao đến lúc tiễn các cháu về Bác lại đứng lặng trông với hai dòng nước mắt tuôn dài. Không có gia đình riêng, nhưng Bác có “Nước Việt Nam là gia đình” chung, có “Tất cả thanh niên Việt Nam là con cháu”. Kẻ thù tàn bạo cũng muốn cướp đi niềm an ủi đó của Người. Cuộc chiến tranh mà chúng gây ra đã cướp đi biết bao đứa con thân yêu của người cha, người mẹ, triệu triệu “con cháu” của Bác Hồ kính yêu để rồi từng đoạn ruột của Người bị đứt đi. Khi gộp tất cả nỗi đau mọi gia đình lại thành nỗi đau của mình thì không biết Bác phải đau đớn đến nhường nào!

Bác luôn là biểu tượng mẫu mực biến đau thương thành hành động cách mạng. Người khuyên bác sĩ Vũ Đình Tụng “thêm ra sức giúp việc kháng chiến để bảo vệ nước nhà”. Đó là cách tri ân, sự đền đáp xứng đáng nhất của những người đang sống, đang chiến đấu với những người đã mất để linh hồn các anh “trên trời cũng bằng lòng và sung sướng”. Với Người, nước mắt chẳng những không là sự ủy mị mà là “lò luyện” cho “thép cách mạng” vững vàng hơn, mạnh mẽ hơn.

Bác không những là người đại diện cho ý chí kiên cường sắt thép của một dân tộc quật khởi trong đấu tranh dựng nước và giữ nước mà còn là một người cha gần gũi với mọi nhà dân nước Việt. Người không chỉ là chủ nhân của những “mệnh lệnh”, những quyết định lịch sử mà còn là tác giả của những “bức thư riêng đầy tình cảm lớn lao… chia sẻ với mất mát của gia đình” các thương binh, liệt sĩ. Những lá thư chứa đầy “tình thương mênh mông và sự hy sinh cao cả” của người đứng đầu Chính phủ, đứng đầu bão táp của cuộc kháng chiến đã làm vơi đi nỗi đau của những gia đình như gia đình Bác sĩ Vũ Đình Tụng. Bác đã để lại cho chúng ta bài học quý về ý nghĩa, giá trị to lớn của tình thương yêu ./.

Tại buổi sinh hoạt chính trị dưới nghi thức chào cờ đầu tuần, Sở Xây dựng đã biểu dương 03 cá nhân được các cơ quan, đơn vị đánh giá, bình xét, suy tôn có thành tích tiêu biểu, xuất sắc trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh./.

Thống kê truy cập
377665

Trực tuyến : 6

Hôm nay : 432

Hôm qua : 258