Hôm nay, Thứ năm ngày 28/03/2024,

Sinh hoạt chính trị dưới nghi thức chào cờ đầu tuần tháng 01/2021

Thứ hai, 04/01/2021
  • Đánh giá cho bài viết:
  • 0 điểm ( 0 đánh giá )

Sáng nay, 7h30 ngày 04/01/2021 tại trụ sở Sở Xây dựng, Chi bộ Cơ quan Văn phòng Sở đã tổ chức sinh hoạt chính trị dưới nghi thức chào cờ đầu tuần.

Trong buổi sinh hoạt, toàn thể công chức, viên chức, người lao động Sở được nghe đồng chí Đinh Thị Diệu Thảo – Phó Trưởng phòng Kinh tế và Vật liệu xây dựng kể câu chuyện “Bác Hồ về thăm làng Bưởi ngày bầu cử đầu tiên” được trích trong cuốn “Cuốn học tập tấm gương đạo đức Bác Hồ”:

“Cứ mỗi lần bầu cử Quốc hội, nhân dân làng An Thái (phường Bưởi) lại nhắc đến ngày hội lịch sử của quê hương làng Giấy: Cách đây hơn 70 năm Bác Hồ về thăm làng An Thái đúng vào ngày 6-1-1946, ngày toàn quốc tưng bừng cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Hôm đó, dân làng đang nhộn nhịp, vui mừng trong ngày hội, bỗng có tiếng reo mừng từ ngoài cổng làng truyền vào: Bác Hồ về, Bác về.

Bác đi từ cổng làng vào, mặc bộ quần áo ka-ki màu vàng, chân đi giày vải, đầu đội mũ cát, bên cạnh Bác chỉ có một cán bộ đi cùng.

Một cụ già ngoài 80 tuổi, nhà gần đó ra đón chào Bác. Bác nắm chặt tay cụ già, ân cần hỏi thăm tuổi, sức khỏe. Tin vui Bác Hồ về, già trẻ, trai gái đổ xô ra reo mừng đón Bác, đứng quanh Bác hô vang: Bác Hồ muôn năm. Bác giơ tay chào mọi người và đáp lại những lời thân mật, ấm tình thân ái, rồi Bác đi thăm xóm làng. Bác rẽ vào một xóm nghèo, vào một gia đình với mái tranh, vách đất. Hai vợ chồng này chuyên sống bằng nghề đan lát tre, nứa, và bán riêu cua ở chợ Bưởi. Bước vào nhà, Bác ngồi xuống cánh phản gỗ cũ, Bác cầm xem mấy đồ nan tre, Bác hỏi mỗi ngày vợ chồng chú làm được bao nhiêu, cùng với thu nhập gánh hàng quà ở ngoài chợ ra sao, đời sống có gặp khó khăn không? Cả hai vợ chồng nghe Bác Hồ hỏi xúc động, chảy nước mắt. Anh chồng xin thưa với Bác: "Hồi năm trước cháu suýt bị chết đói, may được bà con dân làng cứu giúp nên đời sống đã được ổn định”.

Thăm hỏi nơi đây xong, Bác đi vào giữa làng, qua phòng bỏ phiếu bầu cử, một vị phụ trách công tác bầu cử ra chào Bác. Bác hỏi về số cử tri của xã và nhắc cán bộ thực hiện đầy đủ quyền dân chủ phổ thông đầu phiếu cho mỗi công dân trong khi bầu cử. Nghe Bác xong, vị phụ trách mời Bác vào thăm hòm phiếu. Bác bảo: Bác là ứng cử viên thuộc khu vực hòm phiếu nơi đây, theo đúng luật, Bác từ chối không vào, đồng thời Bác chỉ lên khẩu hiệu trước phòng bỏ phiếu: Nghiêm chỉnh chấp hành Luật Bầu cử.

Một vị cán bộ xã mời Bác đến thăm nơi sản xuất giấy cổ truyền, Bác khen nơi làm sạch sẽ, ngăn nắp, dặn dò bà con cố gắng cải tiến kỹ thuật nâng cao tay nghề bằng tình cảm yêu nghề, để gìn giữ nghề truyền thống của ông cha xưa.

Khi Bác ra đầu xóm ngoài gặp một bà cụ mặc áo nâu, lưng còng, tóc bạc, tay chống gậy tre lập cập từ ngõ trong ra. Đến gần Bác, bà cụ xúc động nhìn Bác, lỡ tay đánh rơi chiếc gậy xuống đường. Thấy vậy, Bác Hồ cúi xuống cầm chiếc gậy lên ân cần đưa chiếc gậy tận tay bà cụ.

Thời gian Bác Hồ về thăm làng giấy Bưởi đến nay đã hơn 70 năm, nhưng tất cả hình ảnh, lời thăm hỏi, sự quan tâm của Bác Hồ với nhân dân làng An Thái, phường Bưởi càng ngày càng thấm đọng. Các thế hệ con, cháu, chắt luôn kể chuyện Bác Hồ về thăm trong ngày bầu cử Quốc hội đầu tiên của đất nước. Và lịch sử có điều lạ: chính người dân làng An Thái - Bưởi đã làm ra những tờ giấy quý, đẹp để lưu giữ đời đời Lời Di chúc thiêng liêng của Bác trên trang giấy cổ truyền làng Bưởi.”

Cuộc đời và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đã đi vào lịch sử và đời sống tâm hồn dân tộc Việt Nam về một con người vĩ đại mà không cao xa; thanh cao mà vô cùng giản dị, gần gũi, thân thiết và gắn bó với quần chúng. Nội dung câu chuyện không dài nhưng chứa đựng trong đó những ý nghĩa hết sức sâu sắc về tình cảm, sự gần gũi, quan tâm đối với quần chúng nhân dân, những người lao động, những người có hoàn cảnh khó khăn; sự ân cần, kính trọng với người cao tuổi; bài học về sự gương mẫu, tinh thần thượng tôn pháp luật.

Câu chuyện kể với nội dung xúc động, ý nghĩa về trách nhiệm lớn lao đối với đất nước, sự quan tâm sâu sắc, tình cảm yêu thương chân thành, luôn chia sẻ với khó khăn, vất vả với nhân dân của Bác. Dù ở cương vị nào, ứng cử viên hay cử tri, Người đều nêu cao tinh thần, trách nhiệm của một người công dân đối với đất nước, thực hiện nghiêm túc các nguyên tắc, quy định, quyền và nghĩa vụ của công dân. Trong suốt thời gian hoạt động với tư cách là đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn là tấm gương sáng, xứng đáng là người đại biểu ưu tú nhất của nhân dân, thay mặt nhân dân đứng ra gánh vác việc nước, giữ vững nền độc lập của Tổ quốc, ra sức mưu cầu hạnh phúc cho đồng bào. Suốt đời, Người luôn luôn nhắc nhở và thực hiện sâu sắc câu nói “Vì lợi nước, quên lợi nhà. Vì lợi chung, quên lợi riêng”.

Qua câu chuyện kể giúp mỗi cán bộ, công chức hiểu và thấm nhuần thêm về bài học phải luôn luôn nghĩ cho dân, cho nước, đặt lợi ích của dân, của nước lên trên lợi ích của bản thân; gương mẫu thực hiện nghiêm túc chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; nội quy, quy chế của cơ quan; thực hiện tốt quyền và nghĩa vụ của công dân; đoàn kết, thương yêu, quan tâm, gần gũi, chia sẻ, giúp đỡ nhau trong công việc cũng như trong cuộc sống; thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả nhiệm vụ chính trị được giao.

Tại buổi sinh hoạt chính trị dưới nghi thức chào cờ đầu tuần, Sở Xây dựng đã biểu dương 02 cá nhân được các cơ quan, đơn vị đánh giá, bình xét, suy tôn có thành tích tiêu biểu, xuất sắc trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh./.

Thống kê truy cập
369553

Trực tuyến : 6

Hôm nay : 396

Hôm qua : 404