Hôm nay, Thứ bảy ngày 20/04/2024,

Sau 5 năm thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”

Thứ ba, 12/08/2014
  • Đánh giá cho bài viết:
  • 0 điểm ( 0 đánh giá )

 

Thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, các cấp ủy đảng, chính quyền, các ngành, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở đã triển khai nghiêm các nội dung của cuộc vận động, qua đó tạo bước chuyển trong nhận thức của người tiêu dùng.

Phần lớn hàng hóa bán tại Siêu thị BigC Ninh Bình là hàng Việt Nam. Ảnh: TM
Phần lớn hàng hóa bán tại Siêu thị BigC Ninh Bình là hàng Việt Nam. Ảnh: TM

 

Người tiêu dùng đã từng bước nhận thức đúng đắn hơn khả năng sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam cũng như chất lượng của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ Việt Nam. Tâm lý sính hàng ngoại của một bộ phận người tiêu dùng đã có sự thay đổi, phong cách tiêu dùng mới từng bước được xây dựng. Do đó, hàng Việt đã có chỗ đứng trong lòng người Việt.

Hỗ trợ phát triển sản xuất

Thực hiện phương châm hỗ trợ phát triển sản xuất nhằm thay thế hàng nhập khẩu, tỉnh ta đã thực hiện quy hoạch phát triển các ngành công nghiệp, quy hoạch phát triển nghề và làng nghề kết hợp với phục vụ du lịch. Theo đó, trong 5 năm qua, tỉnh ta thu hút và đẩy nhanh tiến độ các dự án sản xuất phân đạm, dự án thép chất lượng cao nhằm thay thế hàng nhập khẩu… Để tạo điều kiện cho các dự án phát triển công nghiệp trên địa bàn tỉnh đi vào ổn định, tỉnh chú trọng cải tạo, nâng cấp lưới điện. Tổ chức tư vấn, hỗ trợ vốn, đào tạo nghề cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh, giúp các doanh nghiệp nâng cao trình độ, tay nghề cho người lao động, ứng dụng khoa học, kỹ thuật đổi mới công nghệ, phương thức sản xuất nhằm tăng hiệu quả sản xuất, kinh doanh, giảm giá thành sản phẩm.

5 năm qua, ngành chức năng trong tỉnh đã hỗ trợ xây dựng 7 mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ và tiến bộ khoa học cho các doanh nghiệp; ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến cho 24 cơ sở sản xuất, hỗ trợ đào tạo nghề cho 732.581 lượt hội viên nông dân và 594.980 lượt lao động, đào tạo nâng cao năng lực quản lý cho 280 cán bộ quản lý của các cơ sở sản xuất; hỗ trợ nông dân vay 18,6 tỷ đồng để phát triển sản xuất; hỗ trợ 2 cơ sở nông nghiệp nông thôn xây dựng, đăng ký thương hiệu; tổ chức các cuộc thi bình chọn mẫu mã, nhãn mác sản phẩm rượu Kim Sơn, bình chọn sản phẩm công nghiệp, nông thôn tiêu biểu; tổ chức trưng bày 1.000 sản phẩm tiêu biểu của tỉnh… Vì vậy, nhiều doanh nghiệp cũng như các sản phẩm “Made in Ninh Bình” có sức cạnh tranh và đứng vững trên thị trường.

Phát triển hệ thống phân phối

Cùng với hỗ trợ sản xuất, tỉnh đã tập trung xây dựng và triển khai các cơ chế, chính sách nhằm phát triển hạ tầng thương mại đồng bộ, hợp lý, đẩy mạnh lưu thông hàng hoá, kích thích phát triển sản xuất như: Quy hoạch phát triển mạng lưới chợ; quy hoạch phát triển mạng lưới cửa hàng bán lẻ xăng dầu; quy hoạch phát triển mạng lưới trung tâm thương mại, siêu thị; quy định về quy trình chuyển đổi mô hình quản lý chợ trên địa bàn tỉnh; vận động, hỗ trợ cho các doanh nghiệp tham gia chương trình bán hàng bình ổn giá phục vụ nhân dân trên địa bàn tỉnh trong dịp Tết Nguyên đán...

Đến nay, toàn tỉnh có 7 siêu thị, 1 trung tâm thương mại, 103 chợ, 147 cửa hàng bán lẻ xăng dầu phân bố đều khắp trên địa bàn tỉnh, kể cả các vùng sâu, vùng xa như Kỳ Phú, Phú Long, Thạch Bình (Nho Quan), Kim Đông, Kim Trung, Kim Hải (Kim Sơn)…, giúp nhân dân thuận tiện hơn trong việc mua sắm, qua đó góp phần kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh.

Bên cạnh đó, tỉnh đã quan tâm đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ xúc tiến thương mại giúp các doanh nghiệp phát triển, mở rộng thị trường. Trong 5 năm qua, ngành chức năng đã tổ chức thực hiện 75 chương trình xúc tiến thương mại với tổng số tiền gần 5,8 tỷ đồng, cụ thể như tổ chức cho 9 doanh nghiệp tham gia hội chợ, khảo sát thị trường nước ngoài và tạo điều kiện cho 28 doanh nghiệp tham gia các hội chợ ở nước ngoài, triển lãm trong nước để quảng bá, giới thiệu sản phẩm; hỗ trợ tổ chức 11 đợt đưa hàng Việt về nông thôn và 1 đợt đưa hàng Việt về Khu công nghiệp với 106 gian hàng; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tổ chức 31 hội chợ, triển lãm trên địa bàn tỉnh…

Nhận thức được ý nghĩa, mục đích của cuộc vận động, thời gian qua các doanh nghiệp, nhà phân phối trên địa bàn tỉnh đã tăng tỷ trọng hàng Việt trong cơ cấu mặt hàng kinh doanh của mình, đặc biệt ở các đơn vị phân phối hàng công nghệ phẩm thì tỷ trọng hàng Việt chiếm đến gần 100%. Các doanh nghiệp cũng tích cực tham gia các hoạt động hội chợ, triển lãm, các chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, Khu công nghiệp để quảng bá, giới thiệu sản phẩm của mình. 5 năm qua, các doanh nghiệp đã tham gia trên 3.000 gian hàng tại hội chợ, triển lãm tổ chức tại các huyện, thành phố, thị xã trong tỉnh, tổng trị giá giao dịch khoảng 47 tỷ đồng; tham gia 11 đợt đưa hàng Việt về nông thôn và 1 đợt đưa hàng Việt về Khu công nghiệp với 106 gian hàng, trị giá giao dịch 13 tỷ đồng; 17 lượt doanh nghiệp tổ chức các chương trình bán hàng Việt lưu động; tổ chức trên 7.400 chương trình bán hàng Việt khuyến mại trên địa bàn tỉnh với tổng giá trị hàng hóa trên 2.500 tỷ đồng.

Các nhà phân phối tăng cường quảng bá giới thiệu sản phẩm, thực hiện tốt chính sách khuyến mại, giảm giá, tặng quà khi mua sản phẩm; tăng cường khai thác nguồn hàng sản xuất trong nước, hàng Việt Nam chất lượng cao để dần thay thế các loại hàng hóa cùng chủng loại nhập khẩu từ nước ngoài. Một số sản phẩm như ximăng, rượu Lai Thành, ngao Kim Sơn, sản phẩm rau, củ, quả của Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao, phân bón, giấy vở học sinh… được người tiêu dùng trong tỉnh, trong nước tin tưởng sử dụng.

Để góp phần ổn định thị trường, bảo vệ quyền lợi chính đáng của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng, lực lượng quản lý thị trường đã tăng cường kiểm tra, xử phạt nghiêm minh những trường hợp vi phạm. Trong 5 năm qua, lực lượng Quản lý thị trường đã kiểm tra 8.051 vụ, xử lý 4.580 vụ vi phạm, trong đó có 387 hành vi buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu; 101 hành vi kinh doanh hàng giả; 976 hành vi vi phạm về nhãn hàng hoá; 279 hành vi vi phạm trong lĩnh vực vệ sinh an toàn thực phẩm; 1.237 hành vi vi phạm trong lĩnh vực giá; 1.226 hành vi vi phạm về đăng ký kinh doanh; 334 hành vi vi phạm khác. Tổng số tiền thu phạt trực tiếp trên 11,5 tỷ đồng, qua đó góp phần làm lành mạnh thị trường, ổn định giá cả hàng hoá, tạo điều kiện cho hàng Việt có chỗ đứng vững chắc trên thị trường.

Mai Lan

Bài viết khác

Thống kê truy cập
377974

Trực tuyến : 1

Hôm nay : 279

Hôm qua : 462