Hôm nay, Thứ bảy ngày 20/04/2024,

Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Xây dựng

Thứ tư, 19/07/2017
  • Đánh giá cho bài viết:
  • 0 điểm ( 0 đánh giá )

Ngày 17/7/2017, Chính phủ đã ban hành Nghị định 81/2017/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Xây dựng.

Theo đó, Bộ Xây dựng là cơ quan của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về: Quy hoạch xây dựng, kiến trúc; hoạt động đầu tư xây dựng; phát triển đô thị; hạ tầng kỹ thuật; nhà ở; công sở; thị trường bất động sản; vật liệu xây dựng; quản lý nhà nước các dịch vụ công trong các lĩnh vực quản lý nhà nước của bộ theo quy định của pháp luật.

Ảnh sưu tầm

Bộ Xây dựng thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định tại Nghị định số 123/2016/NĐ-CP ngày 1/9/2016 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ và những nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể.

Trong đó, về quy hoạch xây dựng, kiến trúc, Bộ Xây dựng tổ chức lập, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch xây dựng vùng liên tỉnh, vùng chức năng đặc thù có ý nghĩa quốc gia, vùng dọc tuyến đường cao tốc, hành lang kinh tế liên tỉnh; quy hoạch chung đô thị mới có phạm vi quy hoạch liên quan đến địa giới hành chính của hai tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trở lên; quy hoạch chung đô thị mới có quy mô dân số dự báo tương đương với đô thị loại III trở lên và các quy hoạch khác do Thủ tướng Chính phủ giao; hướng dẫn thực hiện quy hoạch sau khi được phê duyệt.

Bên cạnh đó, thẩm định các đồ án quy hoạch xây dựng thuộc thẩm quyền phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ; có ý kiến thống nhất bằng văn bản để Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt các quy hoạch xây dựng cụ thể theo quy định của pháp luật.

Ban hành quy chuẩn quy hoạch xây dựng, định mức, đơn giá, phương pháp lập và quản lý chi phí trong việc lập, thẩm định và tổ chức thực hiện quy hoạch xây dựng, quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị, thiết kế đô thị.
Về nhà ở, xây dựng chiến lược phát triển nhà ở quốc gia cho từng thời kỳ, chỉ tiêu phát triển nhà ở và kế hoạch phát triển nhà ở trong nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước hàng năm và theo từng giai đoạn; chỉ đạo việc thực hiện sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Hướng dẫn Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương xây dựng chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở của địa phương, chỉ tiêu phát triển nhà ở và kế hoạch phát triển nhà ở trong nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương hàng năm và theo từng giai đoạn; cho ý kiến đối với chương trình phát triển nhà ở của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền các cơ chế, chính sách huy động các nguồn lực đầu tư phát triển nhà ở trên phạm vi toàn quốc, các chương trình, đề án, dự án phát triển nhà ở cho từng nhóm đối tượng cụ thể tại các địa bàn trọng điểm và hỗ trợ cải thiện nhà ở cho các đối tượng chính sách xã hội; hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện.

Về thị trường bất động sản, xây dựng các chiến lược, chính sách phát triển và quản lý thị trường bất động sản; chỉ đạo việc thực hiện sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong việc tổ chức thực hiện và quản lý kinh doanh bất động sản.

Thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật về kinh doanh bất động sản; phối hợp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức kiểm tra, rà soát các dự án kinh doanh bất động sản để kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện việc thu hồi, đình chỉ, tạm dừng hoặc điều chỉnh, chuyển đổi, chuyển nhượng các dự án kinh doanh bất động sản; hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về kinh doanh dịch vụ bất động sản; việc thành lập và tổ chức hoạt động của sàn giao dịch bất động sản;...

Tổ chức thực hiện các nhiệm vụ về ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng Chính phủ điện tử của ngành Xây dựng theo quy định của pháp Luật; xây dựng và quản lý vận hành hệ thống cung cấp dịch vụ công trực tuyến trong các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phân công.

Cơ cấu tổ chức

Về cơ cấu tổ chức, Bộ Xây dựng có 25 đơn vị gồm: 1-Vụ Quy hoạch - Kiến trúc; 2- Vụ Vật liệu xây dựng; 3- Vụ Khoa học công nghệ và môi trường; 4- Vụ Kế hoạch - Tài chính; 5- Vụ Quản lý doanh nghiệp; 6- Vụ Pháp chế; 7- Vụ Hợp tác quốc tế; 8- Vụ Tổ chức cán bộ; 9- Văn phòng; 10- Thanh tra; 11- Cục Kinh tế xây dựng; 12- Cục Quản lý hoạt động xây dựng; 13- Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng; 14- Cục Công tác phía Nam; 15- Cục Phát triển đô thị; 16- Cục Hạ tầng kỹ thuật; 17- Cục Quản lý Nhà và thị trường bất động sản; 18- Viện Kinh tế xây dựng; 19- Viện Khoa học công nghệ xây dựng; 20- Viện Kiến trúc quốc gia; 21- Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia; 22- Học viện Cán bộ quản lý xây dựng và đô thị; 23- Báo Xây dựng; 24- Tạp chí Xây dựng; 25- Trung tâm Thông tin.

Các đơn vị từ 1 đến 17 nêu trên là các tổ chức giúp Bộ trưởng thực hiện chức năng quản lý nhà nước, các đơn vị từ 18 đến 25 là các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc bộ.

Các Vụ thuộc Bộ được tổ chức phòng, bao gồm: Vụ Kế hoạch - Tài chính và Vụ Tổ chức cán bộ được tổ chức 04 phòng; Văn phòng được tổ chức 08 phòng; Thanh tra được tổ chức 09 phòng.

Các Cục thuộc Bộ được tổ chức phòng, bao gồm: Cục Kinh tế xây dựng được tổ chức 03 phòng; Cục Quản lý hoạt động xây dựng, Cục Công tác phía Nam, Cục Phát triển đô thị được tổ chức 04 phòng; Cục Hạ tầng kỹ thuật được tổ chức 05 phòng; Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng được tổ chức 06 phòng; Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản được tổ chức 07 phòng.

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.

Nghị định này thay thế Nghị định số 62/2013/NĐ-CP ngày 25 tháng 6 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Xây dựng.

(xaydung.gov.vn)

 

 

 

 

Thống kê truy cập
377709

Trực tuyến : 1

Hôm nay : 14

Hôm qua : 462