Hôm nay, Thứ sáu ngày 26/04/2024,

Phát huy vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng quy hoạch nông thôn mới tỉnh Ninh Bình

Thứ hai, 01/10/2018
  • Đánh giá cho bài viết:
  • 3 điểm ( 1 đánh giá )

Xây dựng nông thôn mới là một chủ trương lớn của Đảng, là chương trình mục tiêu quốc gia của Chính phủ, là cuộc vận động lớn, có ý nghĩa quan trọng cả trước mắt và lâu dài. Đây là chương trình phát triển nông thôn toàn diện, bền vững với mục đích đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, nhanh chóng nâng cao cuộc sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Trong chương trình xây dựng nông thôn mới, nông dân được xác định giữ vai trò chủ thể. Đó là sự khẳng định đúng đắn, cần thiết, nhằm khơi dậy và phát huy mọi tiềm năng của nông dân vào công cuộc xây dựng nông thôn cả về kinh tế, văn hóa, xã hội, đồng thời bảo đảm những quyền lợi chính đáng của người nông dân. Xây dựng nông thôn mới trên cơ sở phát huy nội lực là chủ yếu, Nhà nước đóng vai trò định hướng, hỗ trợ. Mọi việc phải được dân biết, dân bàn, dân làm, dân hưởng thụ.

Trên địa bàn tỉnh Ninh Bình, có 119 xã thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Trước khi vào thực hiện xây dựng nông thôn mới, mức độ đạt được của các nội dung so với Bộ tiêu chí quốc gia bình quân chung toàn tỉnh chỉ đạt 5,5 tiêu chí/xã, 63 xã đạt từ 5-8 tiêu chí, 54 xã đạt dưới 5 tiêu chí, chỉ có 2 xã đạt từ 9 – 13 tiêu chí. Để đạt được những kết quả thắng lợi thiết thực trong xây dựng nông thôn mới, việc hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới được thực hiện đồng bộ, bài bản và khoa học, kế hoạch thực hiện các tiêu chí được xây dựng và xác định trong đề án xây dựng nông thôn mới cấp tỉnh, cấp xã. Trong đó, công tác quy hoạch và thực hiện quy hoạch đóng vai trò then chốt, tạo nền móng để thực hiện các tiêu chí còn lại.


Ảnh: Quy hoạch xây dựng nông thôn bền vững

Dưới sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh công tác lập và quản lý quy hoạch xây dựng nông thôn mới được xác định là tiền đề, mấu chốt cho việc thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Thời điểm triển khai thực hiện tiêu chí về Quy hoạch xác định được những vấn đề khó khăn, bao gồm:

1 - Việc lập Quy hoạch chung xây dựng nông thôn mới theo yêu cầu lồng ghép quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch sản xuất trong một đồ án quy hoạch xây dựng nông thôn mới. Hướng dẫn việc lập quy hoạch của Trung ương chưa kịp thời, thường xuyên thay đổi.

2 - Về đơn vị tư vấn lập quy hoạch: Việc lập quy hoạch với các yêu cầu mới, cacs đơn vị tư vấn trên địa bàn tỉnh hầu như chưa đảm bảo năng lực để thực hiện.

3 - Năng lực cán bộ địa phương về công tác quy hoạch tại UBND cấp huyện, cấp xã còn hạn chế. Quy hoạch xây dựng nông thôn mới do UBND các xã làm chủ đầu tư là một bước đột phá trong công tác chỉ đạo thực hiện, tuy nhiên một số cấp ủy, chính quyền xã chưa nhận thức đầy đủ nhiệm vụ trong xây dựng nông thôn mới, chưa chủ động phối hợp chặt chẽ với các ban ngành chuyên môn của huyện, của tỉnh, phó mặc trách nhiệm cho đơn vị tư vấn. Bước đầu việc tiếp cận và xác định nhân dân là chủ thể của quy hoạch xây dựng nông thôn mới chưa coi trọng, tư tưởng về xây dựng nông thôn mới của một số người dân vẫn coi là xây dựng nông thôn mới là dự án đầu tư, nên có tư tưởng thờ ơ với công tác quy hoạch.

4 - Vấn đề trong lập quy hoạch xây dựng nông thôn mới: Các quy hoạch hiện có thiếu tính liên kết vùng trong các mặt tổ chức sản xuất hàng hóa lớn, xây dựng hạ tầng khung, xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển đô thị, công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn cấp huyện, tạo điều kiện chuyển dịch cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp, tiết kiệm trong đầu tư cơ sở hạ tầng và nâng cao điều kiện sống người dân nông thôn gần với điều kiện sống người dân đô thị; quy hoạch nông thôn chưa gắn liền với quy hoạch các khu đất ở mới gắn với tạo nguồn kinh phí xây dựng nông thôn mới. Các khu dân cư mới thiếu tính tập trung, bám dọc theo các  trục đường tỉnh lộ, trục xã, chưa định hướng các khu dân cư nông thôn bền vững; Vấn đề môi trường trong xây dựng nông thôn mới chưa được quan tâm cụ thể, nhiều địa phương khó khăn trong lựa chọn các khu vực để xử lý chất thải rắn, thoát nước thải các khu dân cư ảnh hưởng đến môi trường, cảnh quan làng xóm.

Nhận định các vấn đề khó khăn nêu trên, với sự chỉ đạo quyết liệt của các cấp ủy Đảng và Chính quyền, đặc biệt là sự tập trung chỉ đạo từ cấp xã và sự vào cuộc của đa số người dân – chủ thể của xây dựng nông thôn mới. Cấp ủy, chính quyền các cấp và cả hệ thống chính trị tuyên truyền, phổ biến cho người nông dân chủ thể của quá trình xây dựng nông thôn mới nắm vững mọi quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về xây dựng nông thôn mới. Quá trình lập quy hoạch, đơn vị tư vấn phối hợp chặt chẽ với địa bàn, tổ chức các hội nghị tham vấn, xin ý kiến cộng đồng các thôn xóm, các đơn vị, hội đoàn thể nhân dân. Việc người dân phải được tham gia quy hoạch tạo sự đồng thuận cao của cộng đồng dân cư, việc thực hiện quy hoạch và quản lý quy hoạch do nhân dân giám sát và thực hiện phù hợp định hướng kinh tế, xã hội của địa phương.

 

 

Ảnh: Người dân tham gia vào lập quy hoạch chung xây dựng nông thôn mới

 

Đến hết ngày 30/6/2012, 100% số xã trên địa bàn tỉnh hoàn thành xong quy hoạch chung xây dựng nông thôn mới đảm bảo theo yêu cầu tiến độ thực hiện của tỉnh. Việc sớm hoành thành tiêu chí quy hoạch góp phần vào những kết quả cụ thể của xây dựng chương trình nông thôn mới tỉnh. Quy hoạch xây dựng nông thôn mới được phê duyệt là cơ sở để các xã khẩn trương thực hiện các tiêu chí về hạ tầng cơ sở trong xây dựng nông thôn mới. Nổi bật là phong trào làm đường giao thông nông thôn được cán bộ và nhân dân đồng tình hưởng ứng, nhiều gia đình đã tự nguyện hiến đất, chặt cây, phá dỡ cổng, tường rào… để mở rộng mặt đường đảm bảo đạt chuẩn theo tiêu chí nông thôn mới. Đến hết năm 2017, toàn tỉnh xây dựng được gần 13 nghìn tuyến đường giao thông với tổng chiều dài trên 1.400km. Cùng với đó, công tác dồn điền đổi thửa được quan tâm thực hiện để hình thành các vùng sản xuất chuyên canh, thuận lợi cho nông dân canh tác, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất từ đó nâng cao thu nhập. Đến nay, toàn tỉnh có 96 xã hoàn thành công tác dồn điền đổi thửa, với diện tích thực hiện trên 33.500ha. Các khu văn hóa thể thao được xây dựng theo quy hoạch, góp phần phát triển phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao cấp xã, toàn Tỉnh đã có hơn 1.490/1.674 thôn, phố có nhà văn hóa; 920/1.674 thôn, bản xóm có khu thể thao. Sau hơn 7 năm triển khai thực hiện quy hoạch xây dựng NTM ở các địa phương đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, qua đó thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế-xã hội, thay đổi diện mạo nông thôn.


 

Ảnh: Hình ảnh các khu dân cư nông thôn mới

 

Xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ chiến lược, đang đặt ra nhiều vấn đề cần tập trung sự nỗ lực của Nhà nước và nhân dân để giải quyết những vấn đề cấp bách đang đặt ra trong quá trình triển khai đồng thời tạo tiền đề cho giai đoạn tiếp theo. Quy hoạch được xác định là tiêu chí để hình thành hình thái làng xã nông thôn mới, bền vững trong xây dựng, nâng cao đời sống nhân dân. Vì vậy, để xây dựng nông thôn mới, ngoài sự chỉ đạo sát xao của các cấp Đảng, chỉnh quyền, người dân cần phải chủ động phát huy vai trò của mình, cùng tham gia lao động, giám sát theo phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm; đề ra những giải pháp, định hướng để xây dựng nông thôn mới phù hợp với tình hình thực tiễn ở địa phương./.

 

 

 

Bài viết khác

Thống kê truy cập
380083

Trực tuyến : 3

Hôm nay : 59

Hôm qua : 507