Hôm nay, Thứ sáu ngày 29/03/2024,

Những quy định mới của Chính phủ về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính

Thứ năm, 16/08/2018
  • Đánh giá cho bài viết:
  • 0 điểm ( 0 đánh giá )

Những quy định mới của Chính phủ về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính

Ngày 23/4/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 61/2018/NĐ-CP về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính, trong đó có nhiều quy định mới về việc tổ chức Bộ phận Một cửa, thiết lập Cổng Dịch vụ công quốc gia và Hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp Bộ, cấp tỉnh tại bộ, ngành, địa phương.

1. Mở rộng phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

So với Quyết định số 09/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế thực hiện cơ chế một cửa liên thông tại cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương, Nghị định 61/2018/NĐ-CP đã mở rộng đối tượng áp dụng. Theo đó, không chỉ các cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương như trước đây mà các bộ, cơ quan ngang bộ; tổng cục và tương đương, cục, vụ thuộc bộ, cơ quan ngang bộ có nhiệm vụ, quyền hạn giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) và tham gia vào quá trình giải quyết TTHC cũng áp dụng cơ chế này trong giải quyết TTHC để tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện TTHC cũng như bảo đảm khả năng theo dõi, giám sát việc giải quyết TTHC thống nhất cả ở trung ương và địa phương. Đồng thời, Nghị định cũng khuyến khích các đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước và các cơ quan, tổ chức khác áp dụng cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục cho tổ chức, cá nhân.

2. Quy định việc tổ chức Bộ phận Một cửa tại bộ, ngành, địa phương

Nghị định tăng cường sự chủ động cho bộ, ngành, địa phương trong việc triển khai cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC để bảo đảm tính linh hoạt, phù hợp các đặc điểm riêng của bộ, ngành, địa phương mà vẫn bảo đảm hiệu quả và yêu cầu quản lý. Theo đó, tại Điều 7 của Nghị định đã quy định cụ thể việc tổ chức Bộ phận Một cửa tại cấp bộ, cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã và các cơ quan ngành dọc của Trung ương đóng tại địa phương. Bộ phận Một cửa là tên gọi chung cho Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả hoặc Trung tâm Phục vụ hành chính công cấp tỉnh.

Tại bộ, cơ quan ngang bộ, căn cứ vào các tiêu chí như số lượng TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết, tần suất tiếp nhận hồ sơ và tình hình bố trí trụ sở, Bộ trưởng quyết định thành lập Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả tập trung trực thuộc văn phòng bộ, cơ quan hoặc giao cho các đơn vị thuộc bộ thành lập Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả tại đơn vị mình. Trường hợp thành lập Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả tại các đơn vị thuộc bộ, Văn phòng bộ có trách nhiệm tổng hợp theo dõi, giám sát, đôn đốc việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại các đơn vị, cơ quan này thông qua Hệ thống Thông tin một cửa điện tử cấp bộ. Đối với các bộ có tính đặc thù như: Quốc phòng, Công an, Ngoại giao, Nghị định cũng giao cho các bộ này quyết định việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông phù hợp với điều kiện công tác của các đơn vị của từng bộ.
 Tại cấp tỉnh, Nghị định quy định thành lập Trung tâm Phục vụ hành chính công cấp tỉnh thuộc Văn phòng UBND cấp tỉnh. Đây là đơn vị hành chính đặc thù, có con dấu và tài khoản riêng để phát huy được tính chủ động, hiệu quả trong thực hiện nhiệm vụ, do lãnh đạo văn phòng đứng đầu và dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Chủ tịch UBND cấp tỉnh. Riêng đối với Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, Nghị định quy định, UBND thành phố căn cứ tần suất tiếp nhận hồ sơ TTHC, tình hình bố trí trụ sở của các cơ quan chuyên môn và điều kiện tự nhiên, điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương, trình HĐND thành phố quyết định số lượng Trung tâm Phục vụ hành chính công của Thành phố.

Trường hợp địa phương chưa đủ điều kiện thành lập Trung tâm thì giao cho người đứng đầu cơ quan chuyên môn cấp tỉnh thành lập Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả tại cơ quan chuyên môn đó và giao Văn phòng UBND cấp tỉnh nhiệm vụ tổng hợp theo dõi, giám sát, đôn đốc việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại các cơ quan chuyên môn thông qua Hệ thống Thông tin một cửa điện tử cấp tỉnh.

Tại cấp huyện, Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả cấp huyện do UBND cấp huyện quyết định thành lập và trực thuộc Văn phòng HĐND, UBND cấp huyện.

Tại cấp xã, UBND cấp xã quyết định thành lập Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả thuộc UBND cấp xã.

Đối với cơ quan của trung ương được tổ chức theo hệ thống ngành dọc tại địa phương, Nghị định quy định người đứng đầu cơ quan này quyết định thành lập Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả tại cơ quan, đồng thời bố trí công chức đến Trung tâm Phục vụ hành chính công cấp tỉnh, Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả cấp huyện để tiếp nhận, giải quyết TTHC đối với những TTHC thuộc thẩm quyền.

Cán bộ, công chức, viên chức làm việc tại Bộ phận Một cửa là người của các cơ quan, đơn vị, phòng ban chuyên môn cử đến phải là những người am hiểu về nghiệp vụ, bảo đảm các tiêu chuẩn, trách nhiệm theo quy định tại Điều 11 Nghị định thay vì những người thuộc Văn phòng như trước đây.
Bên cạnh đó, Nghị định cũng quy định cụ thể việc tổ chức lại để đảm bảo tính thống nhất trong thời gian tới đối với các địa phương đã tổ chức Trung tâm hành chính công cấp tỉnh, Trung tâm hành chính công cấp huyện. Thiết lập Cổng Dịch vụ công quốc gia và Hệ thống Thông tin một cửa điện tử cấp bộ, cấp tỉnh.

3. Thiết lập Cổng Dịch vụ công quốc gia và Hệ thống Thông tin một cửa điện tử cấp bộ, cấp tỉnh

Để bảo đảm kết nối, chia sẻ thông tin giữa các hệ thống thông tin của các cơ quan hành chính nhà nước; bảo đảm khả năng tiếp nhận, kết nối, chia sẻ thông tin giữa cơ quan có thẩm quyền giải quyết TTHC với tổ chức, cá nhân có nhu cầu thực hiện TTHC thông qua các phương tiện điện tử, truyền thông, mạng xã hội, Nghị định đã dành một Chương để quy định việc ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông.

Theo đó, Cổng dịch vụ công quốc gia là cổng tích hợp thông tin về dịch vụ công trực tuyến, tình hình giải quyết, kết quả giải quyết TTHC trên cơ sở tích hợp, trao đổi dữ liệu về TTHC, hồ sơ giải quyết TTHC với Cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC, các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành; kết nối, truy xuất dữ liệu từ các hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp bộ, cấp tỉnh và các giải pháp hỗ trợ nghiệp vụ, kỹ thuật. Văn phòng Chính phủ là cơ quan được giao xây dựng và thống nhất quản lý Cổng Dịch vụ công quốc gia.
Các bộ, ngành, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được giao nhiệm vụ xây dựng tập trung, thống nhất Cổng Dịch vụ công và Hệ thống Thông tin một cửa điện tử của bộ, ngành, địa phương mình để tiếp nhận, giải quyết TTHC, cung cấp dịch vụ công trực tuyến thuộc thẩm quyền giải quyết của bộ, ngành, UBND các cấp. Hệ thống Thông tin một cửa điện tử là hệ thống thông tin nội bộ có chức năng hỗ trợ việc tiếp nhận, giải quyết, theo dõi tình hình, kết quả giải quyết TTHC của các cơ quan, đơn vị trực thuộc; kết nối, tích hợp với Cổng Dịch vụ công quốc gia và Cổng Dịch vụ công cấp bộ, cấp tỉnh để đăng tải công khai kết quả giải quyết TTHC và cung cấp các dịch vụ công trực tuyến. Cổng Dịch vụ công và Hệ thống Thông tin một cửa điện tử cấp bộ, cấp tỉnh phải bảo đảm khả năng tích hợp với Cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC, các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành và Cổng Dịch vụ công quốc gia.

Việc sử dụng hệ thống thông tin một cửa điện tử và tiếp nhận TTHC trực tuyến giúp giảm lượng hồ sơ giấy và các công văn, giấy tờ trong quá trình giải quyết TTHC. Các thông tin được lưu trữ trên hệ thống tạo điều kiện cho các cơ quan có thể khai thác để giải quyết TTHC, đồng thời tăng cường tính minh bạch và trách nhiệm giải trình của các cơ quan trong việc giải quyết TTHC.Việc tăng cường giải quyết TTHC trực tuyến còn là một biện pháp hữu hiệu để giảm bớt đi lại của người dân, giảm các giấy tờ in ấn, từ đó giúp giảm chi phí giải quyết TTHC. Bên cạnh đó, tổ chức, cá nhân có thể sử dụng Mã số hồ sơ để tra cứu tình trạng giải quyết TTHC tại Cổng Dịch vụ công quốc gia, Cổng Dịch vụ công cấp bộ, cấp tỉnh.

Quy định rõ quy trình hướng dẫn, tiếp nhận, giải quyết TTHC

Nghị định số 61/2018/NĐ-CP đã quy định cụ thể quy trình hướng dẫn, tiếp nhận, giải quyết TTHC thống nhất, bảo đảm việc ứng dụng công nghệ thông tin giải quyết TTHC, bảo đảm việc kết nối với hệ thống thông tin một cửa điện tử.

Về cách thức thực hiện, tổ chức, cá nhân có thể nộp hồ sơ, nhận kết quả giải quyết TTHC theo các cách thức như: trực tiếp tại Bộ phận Một cửa; trực tuyến tại Cổng Dịch vụ công cấp bộ, cấp tỉnh; thông qua dịch vụ bưu chính công ích; dịch vụ của doanh nghiệp, cá nhân hoặc qua ủy quyền theo quy định của pháp luật.

Toàn bộ quy trình từ tiếp nhận, chuyển hồ sơ đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết, phân công cán bộ, công chức, viên chức xử lý xem xét, thẩm định hồ sơ, trình phê duyệt kết quả giải quyết TTHC được thực hiện trên Hệ thống Thông tin một cửa điện tử, bảo đảm khả năng theo dõi, giám sát, đánh giá việc giải quyết.

Về phạm vi tiếp nhận TTHC, tại Điều 14 Nghị định đã quy định cụ thể việc tiếp nhận tại Bộ phận Một cửa và quy định các trường hợp không thực hiện tiếp nhận tại Bộ phận Một cửa nhưng phải áp dụng quy trình theo dõi việc tiếp nhận, xử lý hồ sơ, trả kết quả giải quyết. Theo đó, Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả tại bộ, cơ quan ngang bộ; tổng cục và tương đương, cục thuộc bộ; cơ quan của trung ương được tổ chức theo hệ thống ngành dọc tại địa phương tiếp nhận hồ sơ TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết hoặc liên thông giải quyết của cơ quan, đơn vị mình.

Tại cấp tỉnh, Trung tâm Phục vụ hành chính công tiếp nhận hồ sơ TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết hoặc liên thông giải quyết của UBND cấp tỉnh, các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, những TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết hoặc liên thông giải quyết của các cơ quan được tổ chức theo hệ thống ngành dọc tại địa phương theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, những TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của các bộ, ngành, của UBND cấp huyện được giao tiếp nhận tại Trung tâm Phục vụ hành chính công.

Trường hợp tổ chức Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả của cơ quan chuyên môn cấp tỉnh thì bộ phận này tiếp nhận TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết hoặc liên thông giải quyết của cơ quan mình, TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của các bộ, ngành, của UBND cấp huyện được giao tiếp nhận tại cơ quan chuyên môn cấp tỉnh.

Tại cấp huyện, Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả thực hiện tiếp nhận hồ sơ tất cả TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết hoặc liên thông giải quyết của UBND cấp huyện, một số TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết hoặc liên thông giải quyết của các cơ quan được tổ chức theo hệ thống ngành dọc tại địa phương theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, UBND cấp xã được giao tiếp nhận tại cấp huyện.

Tại cấp xã, Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả tiếp nhận hồ sơ TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp xã và những TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp huyện được giao tiếp nhận hồ sơ tại cấp xã..

5. Quy định việc đánh giá chất lượng giải quyết TTHC

Để đánh giá việc giải quyết TTHC một cách khách quan, trung thực, chính xác, khoa học, minh bạch, công khai, công bằng, bình đẳng, đúng pháp luật trong việc đánh giá và công bố kết quả đánh giá, Chương V Nghị định có 06 điều quy định về đánh giá như: nguyên tắc, thẩm quyền, phương thức thu nhận thông tin đánh giá; đánh giá nội bộ về việc giải quyết TTHC; đánh giá của tổ chức, cá nhân về giải quyết TTHC và xử lý kết quả đánh giá. Khoản 1 Điều 31 Nghị định đưa ra các nội dung, tiêu chí chi tiết để đánh giá việc giải quyết TTHC, đây là cơ sở để cơ quan có thẩm quyền, tổ chức, cá nhân đánh giá việc giải quyết TTHC. Kết quả đánh giá là một trong những tiêu chuẩn để xem xét mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị tiếp nhận, giải quyết TTHC; xác định trách nhiệm của cá nhân, người đứng đầu cơ quan, đơn vị tiếp nhận, giải quyết TTHC; ưu tiên xem xét việc đề bạt, bổ nhiệm, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng và xem xét khen thưởng, xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức, người lao động; đồng thời, cơ quan có thẩm quyền áp dụng các biện pháp nhằm nâng cao mức độ hài lòng của tổ chức, cá nhân đối với việc giải quyết TTHC. Kết quả đánh giá được kết nối vào Hệ thống Thông tin một cửa để bảo đảm tính minh bạch trong thực hiện; tạo cơ chế cạnh tranh giữa các cơ quan trong phục vụ người dân.

Nghị định đã giao nhiệm vụ cho các bộ, ngành, địa phương thực hiện các công việc cụ thể để thực hiện có hiệu quả cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính. Đồng thời, trong thời gian tới đây, Thủ tướng Chính phủ sẽ ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện, trong đó xác định cụ thể lộ trình hoàn thành việc kiện toàn tổ chức, bố trí trụ sở, trang thiết bị tại Bộ phận Một cửa và xây dựng hoặc nâng cấp Hệ thống Thông tin một cửa của bộ, ngành, địa phương, bảo đảm các quy định tại Nghị định.

Nghị định số 61/2018/NĐ-CP, có hiệu lực từ ngày 21/6/2018, sẽ tạo cơ sở pháp lý đầy đủ cho việc triển khai cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC hiệu quả từ Trung ương đến địa phương, tăng cường chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp, bảo đảm sự gắn kết chặt chẽ, đồng bộ giữa cải cách hành chính, cải cách TTHC với xây dựng chính phủ điện tử./.


 
ST (Nguyễn Tuyết Minh

Cục Kiểm soát thủ tục hành chính)

 

 

Thống kê truy cập
369587

Trực tuyến : 4

Hôm nay : 6

Hôm qua : 424