Hôm nay, Thứ bảy ngày 20/04/2024,

Mở rộng mặt trận đoàn kết, tập hợp thanh niên, xây dựng Hội LHTN tỉnh ngày càng vững mạnh

Thứ sáu, 12/09/2014
  • Đánh giá cho bài viết:
  • 0 điểm ( 0 đánh giá )

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Hội LHTN tỉnh Ninh Bình lần thứ III (nhiệm kỳ 2009- 2014) trong điều kiện tỉnh ta và đất nước tiếp tục đạt được những thành tựu to lớn về kinh tế - xã hội, chính trị ổn định, an ninh - quốc phòng được giữ vững, đối ngoại được mở rộng, khối đại đoàn kết toàn dân được củng cố.

Đoàn viên, thanh niên huyện Yên Mô tham gia khởi công xây dựng nhà tình nghĩa tặng gia đình chiến sỹ đang công tác tại Quần đảo Trường Sa. Ảnh: Tuấn Vũ
Đoàn viên, thanh niên huyện Yên Mô tham gia khởi công xây dựng nhà tình nghĩa tặng gia đình chiến sỹ đang công tác tại Quần đảo Trường Sa. Ảnh: Tuấn Vũ

Đặc biệt, các cấp uỷ Đảng, chính quyền, các cấp, các ngành quan tâm triển khai thực hiện Kế hoạch số 66 - KH/TU ngày 29-8-2008 và Chương trình hành động số 19 - CTr/TU ngày 21-10-2008 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc thực hiện Nghị quyết 25 của BCH Trung ương (khóa X) về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa" đã đạt kết quả bước đầu rất quan trọng, nhất là sự đầu tư của nhà nước để khuyến khích học tập, nghiên cứu khoa học, giải quyết việc làm, nhu cầu vui chơi giải trí cho thanh niên, tạo môi trường và điều kiện thuận lợi để đẩy mạnh xã hội hoá công tác thanh niên. Tranh thủ những điều kiện thuận lợi đó, chủ động khắc phục khó khăn, thách thức, phát huy vai trò hạt nhân nòng cốt chính trị của tổ chức Đoàn, tích cực đổi mới nội dung, phương thức, hình thức hoạt động, công tác Hội và phong trào thanh niên tỉnh Ninh Bình 5 năm qua đã có bước phát triển vượt bậc.

Kết quả nổi bật là công tác xây dựng tổ chức Hội, đoàn kết tập hợp thanh niên được chú trọng với những giải pháp đồng bộ, hiệu quả, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ từ tỉnh đến cơ sở. Hiện nay, thanh niên Ninh Bình trong độ tuổi từ 16 đến 30 có 278.000 người, chiếm 29,5% dân số toàn tỉnh; trong đó, thanh niên nông thôn và đô thị chiếm 33,9%, thanh niên học sinh, sinh viên chiếm 45,2%, thanh niên công chức, viên chức chiếm 3,2%, thanh niên trong các doanh nghiệp chiếm 5,5%, thanh niên trong các lực lượng vũ trang chiếm 0,3%, thanh niên tôn giáo, dân tộc chiếm 11,6%. Từ tổ chức Hội cơ sở đầu tiên được thành lập tại xã Khánh Thịnh, huyện Yên Mô năm 1996, đến nay Hội LHTN tỉnh đã trải qua 3 kỳ Đại hội với 12 đầu mối trực thuộc, 145 Uỷ ban Hội LHTN xã, phường, thị trấn và 3.290 chi hội, câu lạc bộ, đội, nhóm thanh niên theo đối tượng, nghề nghiệp, sở thích, mở rộng tới nhiều đối tượng thanh niên đặc thù như thanh niên tôn giáo, dân tộc, thanh niên làm việc trong khu vực kinh tế ngoài quốc doanh.

Các cuộc vận động và chương trình lớn của Hội do Đại hội III quyết định, phát động trong nhiệm kỳ như cuộc vận động “Thanh niên sống đẹp, sống có ích”, “Thanh niên tình nguyện vì an sinh xã hội và bảo vệ môi trường”, “Thanh niên lập thân, lập nghiệp, làm giàu chính đáng” và chương trình: “Khi Tổ quốc cần”, “Xây dựng, phát triển tổ chức Hội, mở rộng mặt trận đoàn kết tập hợp thanh niên” được triển khai sâu rộng trong các đối tượng thanh niên. Qua đó đã khẳng định tinh thần xung kích, tình nguyện, sáng tạo của thanh niên vì sự phát triển của cộng đồng. Trong đó phải kể đến phong trào thanh niên tình nguyện hiến máu nhân đạo do Hội làm nòng cốt. Trong nhiệm kỳ, đoàn viên, thanh niên toàn tỉnh đã hiến 20.000 đơn vị máu, đáp ứng 68% nhu cầu máu của các bệnh viện trong tỉnh…

Cùng với phong trào thanh niên tình nguyện hiến máu nhân đạo là việc thành lập các đội hình y, bác sỹ trẻ tình nguyện do lực lượng thanh niên ngành Y tế làm nòng cốt. Đã có 350 lượt y, bác sỹ trẻ tình nguyện khám, chữa bệnh, tư vấn, cấp phát thuốc miễn phí cho trên 10.000 lượt người với tổng giá trị tiền thuốc hàng trăm triệu đồng. Đặc biệt, phong trào thanh niên tình nguyện mà điểm nhấn hàng năm trong “Tháng Thanh niên”, “Chiến dịch thanh niên tình nguyện” ngày càng có sức cuốn hút mạnh mẽ thanh niên tham gia, tạo ra những giá trị vật chất, tinh thần to lớn đóng góp vào sự nghiệp phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh. Chỉ tính riêng các hoạt động tình nguyện của thanh niên trong dịp hè 2014 và phong trào thi đua chào mừng Đại hội Hội LHTN tỉnh Ninh Bình lần thứ IV, nhiệm kỳ 2014- 2019, thanh niên trên địa bàn tỉnh đã đảm nhận xây dựng 167 công trình, phần việc thanh niên trị giá 813 triệu đồng, thắp sáng 64 km đường giao thông nông thôn với trị giá trên 250 triệu đồng, tổ chức nạo vét, khơi thông 25,5 km kênh mương thủy lợi nội đồng, cứng hóa 15,5 km đường bê tông nông thôn, 5 km kênh mương thủy lợi nội đồng...

Trong nhiệm kỳ, tuổi trẻ toàn tỉnh tổ chức xây dựng, hỗ trợ 45 ngôi nhà nhân ái, trị giá 1,5 tỷ đồng. Tổ chức giúp đỡ 8.000 ngày công, tham gia xây mới, sửa chữa, cải tạo 338 nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ chính sách, trị giá trên 5 tỷ đồng. Hỗ trợ xây dựng và duy trì 54 cổng trường an toàn giao thông và 4 bến đò ngang an toàn, trị giá 100 triệu đồng. Tổ chức trên 400 buổi tư vấn, hướng nghiệp, học nghề cho 400.000 lượt hội viên, thanh niên, giải quyết việc làm cho gần 20.000 thanh niên; giúp đỡ 450 thanh niên chậm tiến, thanh niên hoàn lương tái hòa nhập cộng đồng và nhiều hoạt động thiết thực khác…

Từ thực tiễn hoạt động công tác Hội và phong trào thanh niên, đã có hơn 200 cán bộ Hội tiêu biểu được cử đi đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, xuất hiện hàng nghìn gương cá nhân tiêu biểu trên các lĩnh vực học tập, nghiên cứu khoa học, lao động sản xuất, bảo vệ an ninh Tổ quốc. Bên cạnh đó, việc nhân rộng các mô hình hay, cách làm hiệu quả của thanh niên trong phát triển kinh tế được các cấp bộ Hội trong tỉnh đầu tư triển khai có hiệu quả, tiêu biểu như: Câu lạc bộ Thanh niên làm kinh tế giỏi phường Nam Sơn (thị xã Tam Điệp), Hợp tác xã thanh niên xã Thượng Kiệm (Kim Sơn), mô hình sản xuất gạch không nung tại xã Phú Lộc (Nho Quan), mô hình sản xuất túi bóng nilon thân thiện tại xã Ninh Xuân (Hoa Lư)…

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác Hội và phong trào thanh niên tỉnh Ninh Bình nhiệm kỳ qua cũng còn một số hạn chế, tồn tại, đó là: tính bền vững trong các hoạt động, mô hình của Hội chưa cao; khả năng thu hút, tập hợp thanh niên của tổ chức Hội ở cơ sở còn ở mức độ, việc đổi mới nội dung, hình thức hoạt động của Hội còn chậm, nhất là trước sự đòi hỏi ngày càng cao về chất lượng, đa dạng, linh hoạt về hình thức, cách thức tiếp cận đối tượng của thanh niên ngày một phong phú như hiện nay. Tốc độ xây dựng, tỷ lệ tập hợp thanh niên vào tổ chức Đoàn - Hội trong khu vực kinh tế ngoài quốc doanh còn thấp, cán bộ làm chuyên trách công tác Hội còn yếu về năng lực, thiếu về số lượng so với yêu cầu thực tiễn.

Trước thực tế đó, trong nhiệm kỳ 2014- 2019, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXđề ra là xây dựng Ninh Bình trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực Đồng bằng sông Hồng, nhiệm vụ mà Đảng bộ tỉnh đặt ra là hết sức nặng nề đòi hỏi phải có quyết tâm lớn và sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị, với chức năng, nhiệm vụ của mình, ủy ban Hội LHTN tỉnh Ninh Bình quyết tâm: “Mở rộng mặt trận đoàn kết, tập hợp thanh niên, xung kích tình nguyện, xây dựng quê hương giàu đẹp, văn minh” với các nội dung và giải pháp, cụ thể như:

Một là: Phát động trong cán bộ, hội viên thanh niên trên địa bàn tỉnh triển khai có hiệu quả phong trào “Tôi yêu Việt Nam” và cuộc vận động “Thanh niên Ninh Bình với văn hóa du lịch”, qua đó nâng cao hiệu quả công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, cổ vũ thanh niên sống trung thực, trách nhiệm, nghị lực; phát huy tinh thần tình nguyện, tính tích cực xã hội của thanh niên tham gia giải quyết các vấn đề mới, vấn đề khó của đất nước, hăng hái tham gia phát triển kinh tế xã hội, sẵn sàng vì Tổ quốc theo tinh thần “Đâu cần thanh niên có, việc gì khó có thanh niên”. Phấn đấu 90% trở lên thanh niên trong tỉnh được trang bị những kiến thức về lịch sử, văn hóa và truyền thống của Cố đô nghìn năm văn hiến; hiểu biết về Quần thể danh thắng Tràng An – Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới; các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh..., qua đó xây dựng và vận động thanh niên thực hiện việc ứng xử có văn hóa trong sinh hoạt hàng ngày và trong hoạt động phát triển du lịch của tỉnh.

Hai là: Tập trung cho công tác xây dựng tổ chức Hội vững mạnh thực sự là tổ chức xã hội rộng rãi của thanh niên trên cơ sở tăng cường vai trò nòng cốt chính trị của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh. Tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát triển hội viên ở cơ sở; đặc biệt chú trọng hội viên trong địa bàn tôn giáo, dân tộc, thanh niên trong các doanh nghiệp ngoài quốc doanh và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Đẩy mạnh việc phát triển các loại hình chi hội, câu lạc bộ, đội, nhóm theo sở thích thanh niên ở cơ sở. Nâng cao chất lượng hoạt động của Hội Doanh nghiệp trẻ tỉnh.

Ba là: Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các cuộc vận động lớn của Hội; vận động thanh niên đi đầu trong xây dựng “Xã hội học tập”, tổ chức triển khai nhiều hoạt động nhằm hỗ trợ, động viên thanh niên học tập và nghiên cứu khoa học. Tăng cường định hướng hỗ trợ thanh niên làm kinh tế, khích lệ thanh niên chủ động lập thân, lập nghiệp, khẳng định vai trò xung kích của thanh niên trong phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập kinh tế quốc tế. Tổ chức hoạt động chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật trong thanh niên, hoạt động “Sáng tạo trẻ”, hội thi tay nghề, các giải thưởng sáng tạo. Đẩy mạnh các hoạt động giáo dục tinh thần tình nguyện, ý thức cộng đồng cho thanh niên, thường xuyên biểu dương gương “Người tốt, việc tốt”; vận động thanh niên đi đầu giúp đỡ nhân dân ở vùng sâu, vùng xa, khó khăn, tình nguyện hiến máu nhân đạo, tổ chức khám, chữa bệnh và phát thuốc nhân đạo... Vận động thanh niên tôn trọng, phát huy, giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc; thực hiện tốt cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư”…

Bốn là: Tăng cường tham mưu cho cấp uỷ Đảng và chính quyền, phối hợp với các ngành, các đoàn thể để tranh thủ các nguồn lực hỗ trợ cho hoạt động công tác Hội và phong trào thanh niên ở cơ sở. Đẩy mạnh việc triển khai Kế hoạch số 66 - KH/TU ngày 29-8-2008 và Chương trình hành động số 19 - CTr/TU ngày 21-10-2008 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc thực hiện Nghị quyết 25 của BCH Trung ương (khóa X) về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa".

Năm là: Đổi mới toàn diện và sâu sắc công tác chỉ đạo của tổ chức Hội LHTN, đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ, dân chủ, hiệu quả; phát huy vai trò nòng cốt hạt nhân chính trị của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó, tổ chức Hội phải thường xuyên kiện toàn và nâng cao năng lực lãnh đạo cho đội ngũ cán bộ Hội các cấp, để cán bộ Hội phải thực sự tâm huyết với phong trào, có uy tín, có kỹ năng tuyên truyền, vận động, nắm bắt kịp thời tâm tư, nguyện vọng của hội viên, thanh niên. Quan tâm đổi mới nội dung và hình thức hoạt động của Hội, hướng hoạt động về cơ sở với mục tiêu “ở đâu có thanh niên, ở đó có tổ chức Hội LHTN”.

Đinh Thị Phượng

TUV, Bí thư Tỉnh đoàn, Chủ tịch Hội LHTN tỉnh


Bài viết khác

Thống kê truy cập
377935

Trực tuyến : 8

Hôm nay : 240

Hôm qua : 462