Hôm nay, Thứ sáu ngày 29/03/2024,

Lấy ý kiến về Nhiệm vụ Quy hoạch phân khu Khu trung tâm Ninh Vân (khu 4-2) trong Quy hoạch chung đô thị Ninh Bình đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050

Thứ tư, 09/06/2021
  • Đánh giá cho bài viết:
  • 0 điểm ( 0 đánh giá )

Thực hiện nhiệm vụ UBND tỉnh giao tại Quyết định số 26/QĐ-UBND ngày 12/01/2021 của UBND tỉnh về Ban hành chương trình công tác năm 2021. Căn cứ theo quy định tại Điều 20 và 21, Luật Quy hoạch đô thị số 30/2009/QH12 về lấy ý kiến về quy hoạch đô thị, Sở Xây dựng tổ chức xin ý kiến cộng đồng dân cư về hồ sơ với Nhiệm vụ Quy hoạch phân khu Khu trung tâm Ninh Vân (khu 4-2) trong Quy hoạch chung đô thị Ninh Bình đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050

Hình ảnh: Sơ đồ vị trí lập quy hoạch chung đô thị Gián Khẩu

Một số nội dung chính như sau:

I. TÊN NHIỆM VỤ QUY HOẠCH

Quy hoạch phân khu Khu trung tâm Ninh Vân (khu 4-2) trong Quy hoạch chung đô thị Ninh Bình đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

II. PHẠM VI NGHIÊN CỨU VÀ QUY MÔ DIỆN TÍCH LẬP QUY HOẠCH PHÂN KHU

1. Phạm vi nghiên cứu lập quy hoạch

a) Phạm vi ranh giới lập quy hoạch:

Phạm vi ranh giới lập Quy hoạch phân khu khu vực trung tâm Ninh Vân (khu 4-2) trong quy hoạch chung đô thị Ninh Bình đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, cụ thể như sau:

- Phía Bắc: Giáp sông Hệ Dưỡng (tiểu khu 4-1);

- Phía Tây: Giáp xã Ninh Vân (tiểu khu 4-4);

- Phía Nam: Giáp xã Ninh Vân và xã Mai Sơn (tiểu khu 4-3 và 4-4);

- Phía Đông: Giáp QL1A (tiểu khu 4-4).

2. Quy mô diện tích

- Quy mô diện tích đất nghiên cứu lập quy hoạch khoảng: 360,91ha.

(Ranh giới lập quy hoạch sẽ được xác định cụ thể trong quá trình nghiên cứu lập đồ án quy hoạch phân khu phù hợp với Đồ án Quy hoạch chung đô thị Ninh Bình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1266/QĐ-TTg ngày 28/07/2014)

III. TÍNH CHẤT PHÂN KHU

Là khu vực làng xóm hiện hữu cải tạo, chỉnh trang, khu dân cư phát triển mới, kết hợp với các giá trị đặc trưng của khu làng nghề đá mỹ nghệ truyền thống; Phát triển các loại hình dịch vụ, thương mại kết hợp với sản xuất kinh doanh bền vững, bảo vệ môi trường, cảnh quan khu vực; Liên kết hạ tầng đồng bộ với khu vực cận cận.

IV. CÁC CHỈ TIÊU KINH TẾ KỸ THUẬT ÁP DỤNG CHO QUY HOẠCH PHÂN KHU

Các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật áp dụng cho đô thị loại I, tuân thủ quy định tại Quy chuẩn Quy hoạch xây dựng Việt Nam, Tiêu chuẩn thiết kế, phù hợp với các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật trong Quy hoạch chung đô thị Ninh Bình đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Cụ thể:

- Đất dân dụng: 45-60m2/người

Trong đó:

+ Đất đơn vị ở: Xây mới 15-28m2/người;

+ Đất công trình công cộng cấp đô thị và cấp đơn vị ở: tuân thủ theo tiêu chuẩn đô thị loại I theo Quy chuẩn quy hoạch QCVN01:2021.

+ Đất cây xanh đơn vị ở: ≥ 2m2/người.

+ Giao thông chính khu vực: tuân thủ theo tiêu chuẩn đô thị loại I; QCVN01:2021.

- Các chỉ tiêu hạ tầng xã hội: Tuân thủ Quy chuẩn Xây dựng  01:2021

- Chỉ tiêu về hạ tầng kỹ thuật:

+ Giao thông: Mật độ mạng lưới đường chính khu vực đô thị: 10¸13,3km/km2; Tỷ lệ đất giao thông: ≥ 18%.

+ Chỉ tiêu cấp nước: Sinh hoạt: 150¸180l/ng.ngđ; Công cộng: 10% nước sinh hoạt.

+ Tiêu chuẩn thoát nước thải sinh hoạt: Tỷ lệ thu gom yêu cầu đạt 100% tỷ lệ cấp nước.

+ Tiêu chuẩn cấp điện: Sinh hoạt: 400-500w/người; Công cộng dịch vụ cấp đơn vị ở: 10-20% điện sinh hoạt.

+ Tiêu chuẩn chất thải rắn sinh hoạt: 1¸1,3kg/người.ngđ. Tỷ lệ thu gom đạt 100%. Các khu vực có tỷ lệ phát sinh CTR đặc biệt lớn (do hoạt động du lịch, tổ chức sự kiện lớn, sản xuất đá mỹ nghệ…) cần được tính toán và giải quyết trong quá trình nghiên cứu lập đồ án quy hoạch.

+ Các chỉ tiêu môi trường, tiếng ồn, khí thải, rác thải, nước thải, phòng chống cháy nổ, vệ sinh công nghiệp, khoảng cách ly, hành lang hạ tầng kỹ thuật…theo tiêu chuẩn, quy chuẩn chuyên ngành hiện hành.

(Các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật chính sẽ được điều chỉnh, cân đối trong quá trình lập quy hoạch, phù hợp, tuân thủ Quy chuẩn quy hoạch xây dựng Việt Nam, tiêu chuẩn thiết kế chuyên ngành).

V. NỘI DUNG NGHIÊN CỨU QUY HOẠCH PHÂN KHU

1. Nguyên tắc quy hoạch

- Tuân thủ Quy hoạch chung đã được phê duyệt, kế thừa, hoàn thiện và khớp nối các dự án đã và đang triển khai trong phạm vi liền kề về không gian kiến trúc cũng như hạ tầng kỹ thuật sao cho khai thác quỹ đất hiệu quả nhất để phát triển các khu chức năng đáp ứng nhu cầu phát triển.

- Đảm bảo tính chỉnh thể và khả năng phát triển của cơ cấu quy hoạch thống nhất trong từng giai đoạn. Khai thác có hiệu quả các giá trị tiềm năng của khu làng nghề truyền thống.

- Bảo đảm tính hợp lý của tổ chức không gian các khu chức năng cũng như đảm bảo tính bền vững của môi trường và cảnh quan thiên nhiên.

- Không gian quy hoạch kiến trúc phải đạt được các yêu cầu về tổ chức không gian, đảm bảo môi trường sống bền vững đáp ứng nhu cầu phát triển dài hạn.

2. Các nội dung nghiên cứu

2.1. Đánh giá hiện trạng

- Phân tích, đánh giá và xác định đúng tiềm năng của khu vực lập quy hoạch với các giá trị về sản xuất làng nghề truyền thống, lợi thế về mạng lưới giao thông tại khu vực. Đánh giá mối liên hệ vùng, vai trò và chức năng của khu vực lập quy hoạch trong tổng thể quy hoạch chung đô thị Ninh Bình.

- Đánh giá tổng quan các đặc điểm tự nhiên của khu vực lập quy hoạch; ảnh hưởng khu vực quy hoạch và sự phát triển khu vực như tác động về mặt cảnh quan của không gian sông Hệ Dưỡng, không gian tự nhiên của khu di sản Tràng An ở phía Tây, vùng cảnh quan nông nghiệp.

- Đánh giá hiện trạng phát triển dân cư khu vực nghiên cứu, thống kê tỉ lệ dân số, lao động. Đánh giá lịch sử phát triển, văn hóa xã hội trong khu vực;

- Đánh giá tình hình sử dụng đất khu vực lập quy hoạch theo các khu chức năng như các dự án dịch vụ du lịch đã có. Đánh giá hiện trạng hệ thống hạ tầng kỹ thuật; môi trường và những vùng dễ bị tác động, những khuyến cáo về tình hình ô nhiễm, suy thoái môi trường.

- Rà soát mức độ triển khai, chất lượng và phân loại từng dự án với tổng thể chung của toàn khu. Xem xét tính hiệu quả và sự phù hợp của các chương trình, dự án với các vấn đề về mục tiêu và tầm nhìn đã đặt ra.

 

Hình ảnh: Sơ đồ ranh giới lập quy hoạch phân khu 4-2

2.2. Quy hoạch sử dụng đất đai

- Đề xuất quy hoạch sử dụng đất cho từng khu chức năng theo cơ cấu được xác định. Tính toán và xác định các chỉ tiêu quy hoạch, quy mô sử dụng cho từng lô đất nhằm phục vụ công tác quản lý, kiểm soát phát triển. Quy hoạch sử dụng đất phù hợp với định hướng quy hoạch chung đô thị Ninh Bình.

- Xác định các chỉ tiêu sử dụng đất chính bao gồm quy mô phục vụ, diện tích đất, mật độ xây dựng, hệ số sử dụng đất, tầng cao xây dựng, tỷ lệ cây xanh,... cho các lô đất xây dựng theo các khu chức năng. Đề xuất cơ cấu sử dụng đất, quy hoạch sử dụng đất phục vụ cho phát triển các CCN làng nghề đá và các khu sản xuất tập trung; các khu trung tâm dịch vụ hỗ trợ; bổ sung quỹ đất công cộng phục vụ đơn vị ở.

- Lập các bảng biểu chỉ tiêu, bảng cân bằng sử dụng đất và xác định hệ thống số liệu sử dụng đất.

- Đề xuất quy định quản lý sử dụng đất nhằm đảm bảo khai thác hiệu quả đầu tư và đáp ứng các nhu cầu phát triển trong tương lai.

2.3. Quy hoạch không gian kiến trúc cảnh quan

- Khái quát các ý tưởng tổ chức không gian, từ đó đề xuất bố cục không gian kiến trúc cảnh quan theo từng khu vực chức năng, phù hợp với chức năng hoạt động của từng khu vực và đảm bảo sự thống nhất trong không gian tổng thể. Để xuất giải pháp tổ chức không gian tổng thể phù hợp định hướng của quy hoach chung đô thị Ninh Bình.

- Kế thừa và phát huy định hướng tổ chức không gian của các dự án đã có để phù hợp với cảnh quan khu vực và yêu cầu tổ chức mặt bằng phù hợp với phong tục tập quán của dân cư địa phương.

- Kết nối liên thông các khu vực chức năng để đảm bảo hoạt động được liên tục, khai thác hỗ trợ chung các tiện ích công cộng, các khu vực phục vụ dân cư và các khu vực khai thác sử dụng chung. Tổ chức không gian các khu vực chức năng theo đặc thù hoạt động với các giải pháp về mật độ xây dựng, khối công trình, chiều cao xây dựng, không gian mở.

- Thiết lập bố cục không gian kiến trúc cảnh quan cho các khu chức năng, đề xuất và mô tả hình ảnh không gian quy hoạch, cảnh quan tổng thể gắn kết với các khu vực liền kề. Nghiên cứu khu vực xây dựng hiện hữu, các dự án đã có, tổ chức khớp nối, gắn kết theo định hướng quy hoạch chung đề ra. Trong đó, đề xuất cải tạo chỉnh trang khu dân cư, làng xóm; tổ chức không gian các khu vực sản xuất kinh doanh (sản xuất đá mỹ nghệ truyền thống) tập trung, không gian khu vực dọc đường QL1 đoạn tránh thành phố Ninh Bình.

- Đề xuất liên kết không gian trọng tâm các Phân khu theo các điểm - tuyến - diện đã xác định trong quy hoạch chung. Đề xuất bố cục không gian kiến trúc cảnh quan theo từng khu vực chức năng, theo các trục không gian; đề xuất tổ chức không gian cho các khu trung tâm, các trục không gian chính, không gian cây xanh, mặt nước.

- Tổ chức, bố trí các công trình chức năng theo nguyên tắc tổ chức mạng lưới tầng bậc, theo phân cấp, đảm bảo khả năng tiếp cận của người dân, bán kính phục vị thuận lợi và tăng cường các tiện ích công cộng.

- Căn cứ các đề xuất trong quy hoạch chung đã xác định, dự kiến sơ bộ cơ cấu các khu chức năng của các khu chức năng như sau: Khu Cụm công nghiệp làng nghề đá mỹ nghệ Ninh Vân; Khu dịch vụ, thương mại, trưng bày sản phẩm; Không gian sinh thái nông nghiệp; Khu dân cư mới; Khu dân cư hiện trạng cải tạo; Các khu chức năng đơn vị ở: Công cộng, cây xanh,…; Đầu mối hạ tầng kỹ thuật.

2.4. Thiết kế đô thị

- Thiết kế đô thị: Nghiên cứu và đề xuất các giải pháp thiết kế đô thị; Xác định các khu vực phải khống chế và kiểm soát xây dựng bao gồm các không gian trọng tâm, trọng điểm và các không gian đặc trưng trong phân khu quy hoạch. Thiết kế không gian chủ đạo (Khu dịch vụ du lịch, thương mại, không gian mở, các trục không gian, điểm nhìn đẹp...) và lựa chọn các điểm nhấn của đô thị. Nghiên cứu các mô hình sản xuất đá mỹ nghệ truyền thông.

- Đề xuất chi tiết về thiết kế tầng cao, hình khối kiến trúc, màu sắc, ánh sáng và các quy định về quản lý kiến trúc cảnh quan cho toàn bộ Phân khu.

2.5. Quy hoạch hệ thống hạ tầng kĩ thuật

a) Chuẩn bị kỹ thuật

- San nền: Xác định cao độ khống chế xây dựng cho các khu vực chức năng của các khu chức năng và các trục giao thông chính. Đề xuất các giải pháp cao trình chuẩn bị kỹ thuật phù hợp với từng khu vực. Nghiên cứu giải pháp phòng chống ngập úng, khả năng ngập lũ do biến đổi khí hậu.

- Thoát nước mưa: Xác định các lưu vực thoát nước chính, hệ thống cống thoát nước mưa chính và các hồ dự kiến xây dựng, giải pháp thoát nước mưa tổng thể, mạng lưới thoát nước mưa trong ranh giới quy hoạch và các điểm đấu nối nằm ngoài ranh giới.

- Đề xuất giải pháp phòng tránh và giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai (lũ quét, bão, sóng thần và triều cường….)

- Xác định khối lượng đầu tư, khái toán kinh phí.

b) Quy hoạch hệ thống giao thông 

- Nguyên tắc thiết kế phải tuân thủ theo các khống chế của quy hoạch chung đô thị Ninh Bình đã được phê duyệt. Áp dụng chỉ tiêu kỹ thuật về giao thông cho đô thị tương đương với đô thị loại I.

- Định hướng và tổ chức hệ thống giao thông, phân loại và phân cấp các tuyến đường đối ngoại và nội bộ. Xác định vị trí, quy mô, số lượng, các chỉ tiêu kỹ thuật cho loại hình giao thông đường bộ, đường thủy.

- Thiết kế mạng lưới, quy mô, cấp hạng các tuyến đường. Công trình giao thông khác như các bãi đỗ xe, cầu và cống đường bộ….

c) Quy hoạch mạng lưới cấp nước

- Tiêu chuẩn cấp nước: căn cứ áp dụng theo tính chất để xác định chỉ tiêu cụ thể cho từng loại hình công trình sử dụng nước.

- Xác định các giải pháp cấp nước bao gồm nguồn nước, vị trí quy mô công trình đầu mối cấp nước và kiến nghị bổ sung hoặc điều chỉnh nếu cần so với các công trình dự kiến trong quy hoạch chung.

- Thiết kế mạng đường ống cấp nước từ công trình đầu mối về các khu chức năng. Tính toán thuỷ lực hệ thống mạng lưới đường ống cấp nước, mạng lưới phân phối: chiều dài, đường kính, các họng cứu hoả.

d) Quy hoạch hệ thống cấp điện, chiếu sáng

- Chỉ tiêu cấp điện áp dụng theo từng loại hình sử dụng điện. Tính toán nhu cầu sử dụng điện năng của toàn khu vực và từng nhóm công trình.

- Thiết kế phương án cấp điện bao gồm nguồn điện, lưới điện trung thế, hạ thế, trạm biến áp phân phối.

- Tính toán, nghiên cứu các giải pháp chiếu sáng công cộng.

e) Quy hoạch hệ thống thoát nước thải, quản lý chất thải rắn và nghĩa trang

- Xác định chỉ tiêu, dự báo tổng lượng nước thải, chất thải rắn;

- Đề xuất thiết kế mạng lưới thoát nước thải theo mô hình thoát nước riêng; phương án cụ thể cho hệ thống cống, trạm bơm, trạm xử lý. Nghiên cứu giải pháp thu gom và xủ lý CTR.

f) Đánh giá môi trường chiến lược

- Nhận dạng và dự báo các tác động tích cực, tiêu cực đến môi trường do phương án quy hoạch và các hoạt động phát triển kinh tế xã hội gây ra.

- Đề xuất các giải pháp giải quyết các vấn đề môi trường còn tồn tại trong đồ án quy hoạch. Xác định các biện pháp phòng ngừa, giảm thiểu tác động và quản lý, giám sát môi trường.

- Kết luận, kiến nghị về môi trường để đảm bảo phát triển bền vững.

g) Kinh tế xây dựng và phân kỳ đầu tư

- Khái toán kinh phí đầu tư xây dựng hạng mục công trình kiến trúc, cây xanh, hạ tầng kỹ thuật và đền bù giải phóng mặt bằng theo các giải pháp quy hoạch đã đề xuất.

- Xác định suất đầu tư tổng thể, suất đầu tư cho hệ thống hạ tầng kỹ thuật trong ranh giới thiết kế.

- Phân tích và đề xuất lộ trình và các giai đoạn đầu tư  phát triển khu vực theo từng giai đoạn. Xác định danh mục các dự án triển khai giai đoạn đến năm 2030.

h) Quy định quản lý theo đồ án quy hoạch phân khu

- Đề xuất quy định quản lý quy hoạch kiến trúc, hoạt động xây dựng phù hợp đồ án quy hoạch và tuân thủ các quy định pháp luật có liên quan, làm cơ sở pháp lý cho công tác quản lý đầu tư xây dựng trên địa bàn khu quy hoạch. Quy định quản lý bao gồm các quy định chung, quy định cụ thể và quy định về tổ chức thực hiện.

- Quy định chung: Xác định đối tượng áp dụng, phân công quản lý thực hiện; Ranh giới, quy mô diện tích, tính chất khu vực lập quy hoạch; Các quy định chủ yếu về kết nối giữa hệ thống hạ tầng kỹ thuật trong khu vực với hệ thống hạ tầng kỹ thuật chung của đô thị.

- Quy định cụ thể: Ranh giới, quy mô diện tích, quy định về chỉ tiêu sử dụng đất quy hoạch đô thị, nguyên tắc kiểm soát phát triển, quản lý về không gian, kiến trúc; yêu cầu hạ tầng kỹ thuật đối với từng ô quy hoạch; Quy định chỉ giới đường đỏ, phạm vi bảo vệ, hành lang an toàn công trình hạ tầng kỹ thuật và công trình ngầm (nếu có); Quy định về nguyên tắc tổ chức không gian, kiến trúc, cảnh quan đối với trục đường chính, không gian mở, điểm nhấn, công viên cây xanh.

- Quy định về tổ chức thực hiện: Đề xuất các quy định về phân công trách nhiệm quản lý thực hiện quy hoạch, các quy định về khen thưởng, xử phạt vi phạm và các quy định khác có liên quan.

VI. THÀNH PHẦN HỒ SƠ

Thành phần hồ sơ đồ án quy hoạch thực hiện theo Nghị định số 37/2010/NĐ-CP ngày 07/4/2010 của Chính phủ về lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch đô thị; Theo Thông tư số 12/2016/TT-BXD ngày 29/6/2016 của Bộ Xây dựng Quy định về hồ sơ của nhiệm vụ và đồ án quy hoạch xây dựng vùng, quy hoạch đô thị và quy hoạch khu chức năng đặc thù.

VII. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

- Cơ quan phê duyệt: UBND tỉnh Ninh Bình.

- Cơ quan thẩm định: Sở Xây dựng tỉnh Ninh Bình.

- Cơ quan lập quy hoạch: Đơn vị tư vấn đảm bảo năng lực theo quy định

- Thời gian lập đồ án quy hoạch: Không quá 9 tháng, kể từ khi Nhiệm vụ quy hoạch được phê duyệt và được UBND tỉnh bố trí kinh phí lập quy hoạch

Link tải file Hồ sơ Quy hoạch phân khu Khu trung tâm Ninh Vân (khu 4-2) trong Quy hoạch chung đô thị Ninh Bình đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và phiếu lấy ý kiến:

https://www.mediafire.com/file/d4lou8k86jx3mat/Nhiem_vu_QHPK_4-2.rar/file

Địa chỉ nhận Phiếu góp ý kiến xin gửi về địa chỉ:

- Sở Xây dựng, số 15 đường Trần Hưng Đạo, thành phố Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình

- Hòm thư: chault.xd@ninhbinh.gov.vn

Bài viết khác

Thống kê truy cập
370030

Trực tuyến : 8

Hôm nay : 449

Hôm qua : 424