Hôm nay, Thứ bảy ngày 20/04/2024,

Chính phủ ban hành Nghị định 107/2020/NĐ-CP

Thứ hai, 21/09/2020
  • Đánh giá cho bài viết:
  • 0 điểm ( 0 đánh giá )

Ngày 14/9/2020, Chính phủ ban hành Nghị định 107/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 24/2014/NĐ-CP ngày 04/4/2014 của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, có hiệu lực từ ngày 25/11/2020.

Theo đó, Nghị định 107/2020/NĐ-CP quy định một số điểm mới về cơ quan chuyên môn cấp tỉnh như sau:

         1. Về cơ cấu tổ chức của Sở

         Nghị định 24/2014/NĐ-CP quy định phòng cứng gồm Văn phòng, Thanh tra và phòng chuyên môn, nghiệp vụ, còn Nghị định 107/2020/NĐ-CP chỉ quy định phòng cứng là Phòng chuyên môn, nghiệp vụ; còn đối với Thanh tra, Văn phòng, Chi cục và đơn vị sự nghiệp thì quy định “nếu có”.

Nghị định 107/2020/NĐ-CP đã bổ sung quy định về tiêu chí thành lập phòng chuyên môn, Văn phòng, chi cục, đơn vị sự nghiệp như sau:

         - Tiêu chí thành lập phòng chuyên môn, nghiệp vụ thuộc sở:

         + Có chức năng, nhiệm vụ tham mưu về quản lý nhà nước đối với ngành, lĩnh vực thuộc chức năng, nhiệm vụ của sở;

         + Khối lượng công việc yêu cầu phải bố trí tối thiểu 07 biên chế công chức đối với phòng thuộc sở của thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh; tối thiểu 06 biên chế công chức đối với phòng thuộc sở của cấp tỉnh loại I; tối thiểu 05 biên chế công chức đối với phòng thuộc sở của cấp tỉnh loại II và loại III.

         - Tiêu chí thành lập Văn phòng thuộc sở khi:

         Khối lượng công việc yêu cầu phải bố trí tối thiểu 07 biên chế công chức đối với phòng thuộc sở của thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh; tối thiểu 06 biên chế công chức đối với phòng thuộc sở của cấp tỉnh loại I; tối thiểu 05 biên chế công chức đối với phòng thuộc sở của cấp tỉnh loại II và loại III.

         Trường hợp không thành lập Văn phòng thuộc sở thì giao một phòng chuyên môn thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Văn phòng.

         - Tiêu chí thành lập chi cục và các tổ chức tương đương thuộc sở:

         + Có đối tượng quản lý về chuyên ngành, lĩnh vực thuộc chức năng, nhiệm vụ của sở theo quy định của pháp luật chuyên ngành;

         + Được phân cấp, ủy quyền để quyết định các vấn đề thuộc phạm vi quản lý nhà nước về chuyên ngành, lĩnh vực;

         + Khối lượng công việc yêu cầu phải bố trí tối thiểu 12 biên chế công chức.

         - Tiêu chí thành lập phòng và tương đương thuộc chi cục thuộc sở

         + Có chức năng, nhiệm vụ tham mưu về quản lý nhà nước đối với ngành, lĩnh vực thuộc chức năng, nhiệm vụ của chi cục hoặc tham mưu về công tác quản trị nội bộ của chi cục;

         + Khối lượng công việc yêu cầu phải bố trí tối thiểu 05 biên chế công chức.

         2. Về người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu sở

         - Nghị định 107/2020/NĐ-CP bổ sung quy định Người đứng đầu sở thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh là ủy viên Ủy ban nhân dân cấp tỉnh do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh bầu.

         - Bổ sung quy định Cấp phó của người đứng đầu sở thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (sau đây gọi chung là Phó Giám đốc sở) do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh bổ nhiệm theo đề nghị của Giám đốc sở, giúp Giám đốc sở thực hiện một hoặc một số nhiệm vụ cụ thể do Giám đốc sở phân công và chịu trách nhiệm trước Giám đốc sở và trước pháp luật về thực hiện nhiệm vụ được phân công. Khi Giám đốc sở vắng mặt, một Phó Giám đốc sở được Giám đốc sở ủy nhiệm thay Giám đốc sở điều hành các hoạt động của sở. Phó Giám đốc sở không kiêm nhiệm người đứng đầu tổ chức, đơn vị thuộc và trực thuộc sở, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

         - Bổ sung quy định số lượng phó giám đốc, cụ thể: Bình quân mỗi sở có 03 Phó Giám đốc. Căn cứ số lượng sở được thành lập và tổng số lượng Phó Giám đốc, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định cụ thể số lượng Phó Giám đốc của từng sở cho phù hợp. Riêng thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, ngoài tổng số lượng Phó Giám đốc theo quy định tính bình quân chung thì mỗi thành phố được tăng thêm không quá 10 Phó Giám đốc.

         Như vậy, theo Nghị định 107/2020/NĐ-CP thì có Sở có thể bố trí 01 Phó Giám đốc, có Sở có thể bố trí hơn 03 Phó Giám đốc sao cho đảm bảo tổng số lượng cấp phó tại các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh không vượt theo quy định.

         - Nghị định 24/2014/NĐ-CP chỉ quy định về việc bổ nhiệm trưởng, phó phòng chuyên môn thuộc Sở, không quy định cụ thể số lượng cấp phó. Nghị định 107/2020/NĐ-CP đã bổ sung quy định về số lượng Phó Trưởng phòng như sau:

         + Phòng thuộc sở của thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh có dưới 10 biên chế công chức, phòng thuộc sở của cấp tỉnh loại I có dưới 09 biên chế công chức và phòng thuộc sở của cấp tỉnh loại II và loại III có dưới 08 biên chế công chức được bố trí 01 Phó Trưởng phòng;

         + Phòng thuộc sở của thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh có từ 10 đến 14 biên chế công chức, phòng thuộc sở của cấp tỉnh loại I có từ 09 đến 14 biên chế công chức và phòng thuộc sở của cấp tỉnh loại II và loại III có từ 08 đến 14 biên chế công chức được bố trí không quá 02 Phó Trưởng phòng;

         + Phòng thuộc sở có từ 15 biên chế công chức trở lên được bố trí không quá 03 Phó Trưởng phòng.

         - Số lượng Phó Chánh Thanh tra sở được quy định cụ thể như sau:

         + Thanh tra sở có dưới 08 biên chế công chức được bố trí 01 Phó Chánh Thanh tra;

         + Thanh tra sở có từ 08 biên chế công chức trở lên được bố trí không quá 02 Phó Chánh Thanh tra.

         - Số lượng Phó Chánh Văn phòng sở được thực hiện như quy định về phó phòng chuyên môn.

         - Số lượng Phó Chi cục trưởng thuộc sở:

         + Chi cục có từ 01 đến 03 phòng và tương đương được bố trí 01 Phó Chi cục trưởng;

         + Chi cục không có phòng hoặc có từ 04 phòng và tương đương trở lên được bố trí không quá 02 Phó Chi cục trưởng.

         - Số lượng Phó Trưởng phòng thuộc chi cục thuộc sở:

         + Phòng có dưới 07 biên chế công chức được bố trí 01 Phó Trưởng phòng;

         + Phòng có từ 07 biên chế công chức trở lên được bố trí không quá 02 Phó Trưởng phòng.

         3. Sửa đổi, bổ sung chức năng, nhiệm vụ của một số Sở

         a) Sở Nội vụ

         Bổ sung nhiệm vụ tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước về những người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố; tín ngưỡng.

         b) Sở Tư pháp

         Bỏ chức năng kiểm soát thủ tục hành chính (chức năng này đã được chuyển về Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh)

         c) Sở Công thương

         - Bỏ quy định về tham mưu UBND tỉnh trong quản lý vật liệu xây dựng, cụ thể: Tham mưu UBND tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công nghiệp khai thác mỏ và chế biến khoáng sản (trừ vật liệu xây dựng).

         - Bổ sung chức năng tham mưu quản lý nhà nước về: công nghiệp hỗ trợ, tiểu thủ công nghiệp; khuyến công; dịch vụ thương mại; quản lý cạnh tranh; bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; hội nhập kinh tế quốc tế.

         - Bỏ quy định về quản lý an toàn thực phẩm.

         d) Sở Tài nguyên và Môi trường

         Bổ sung quy định về tham mưu UBND tỉnh quản lý chất thải rắn

         đ) Sở Xây dựng

         Bỏ chức năng tham mưu UBND tỉnh quản lý chất thải rắn thông thường tại đô thị, khu công nghiệp, khu kinh tế, khu công nghệ cao, cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng. Chức năng này được chuyển cho Sở Tài nguyên và Môi trường.

         Đối với thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, chức năng tham mưu về quy hoạch xây dựng và kiến trúc do Sở Quy hoạch – Kiến trúc thực hiện.

         e) Sở Lao động - Thương binh và Xã hội

         Đổi chức năng “dạy nghề” thành “giáo dục nghề nghiệp”  (trừ các trường sư phạm). Đổi chức năng “an toàn lao động” thành “an toàn , vệ sinh lao động”.

         Thay cụm từ “bảo vệ và chăm sóc trẻ em” thành “trẻ em” cho phù hợp với quy định của Luật Trẻ em.

         g) Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

         Nghị định 107/2020/NĐ-CP bổ sung quy định: Đối với các địa phương có Sở Du lịch thì chức năng tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quản lý nhà nước về du lịch do Sở Du lịch thực hiện.”

         h) Thanh tra tỉnh

         Bổ sung chức năng tham mưu UBND tỉnh quản lý nhà nước về tiếp công dân. Trước đây chức năng này thuộc Văn phòng UBND tỉnh.

         k) Văn phòng Ủy ban nhân dân

         Bổ sung quy định chức năng về  kiểm soát thủ tục hành chính.

         Bổ sung quy định: Trường hợp không tổ chức riêng Sở Ngoại vụ, Ban Dân tộc thì chức năng tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực ngoại vụ, dân tộc do Văn phòng Ủy ban nhân dân thực hiện.

         4. Bổ sung nhiệm vụ cho UBND cấp tỉnh

         - Quyết định cơ cấu tổ chức, số lượng Phó Giám đốc của sở phù hợp với yêu cầu quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực ở địa phương và các tiêu chí quy định tại Nghị định này

         - Quyết định thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập thuộc sở theo quy định của pháp luật, bảo đảm phù hợp với quy hoạch mạng lưới các đơn vị sự nghiệp công lập theo ngành, lĩnh vực được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, hướng dẫn của bộ quản lý ngành, lĩnh vực và Bộ Nội vụ.

         - Quyết định phân cấp cho Ủy ban nhân dân cấp huyện, phân cấp hoặc ủy quyền cho sở và Giám đốc sở thực hiện một hoặc một số nhiệm vụ, quyền hạn thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh theo quy định của pháp luật.

         5. Điều khoản chuyển tiếp

         - Việc sắp xếp các tổ chức thuộc sở theo tiêu chí quy định tại Nghị định này hoàn thành trước ngày 31 tháng 3 năm 2021.

         - Trong quá trình thực hiện sắp xếp lại tổ chức, số lượng cấp phó của người đứng đầu các tổ chức, đơn vị do sáp nhập, hợp nhất có thể cao hơn quy định tại Nghị định này, nhưng khi có cấp phó nghỉ hưu hoặc điều chuyển công tác thì không được bổ sung và phải có giải pháp điều chỉnh, sắp xếp lại số cấp phó vượt quy định để bảo đảm trong thời hạn 03 năm kể từ ngày sáp nhập, hợp nhất số lượng cấp phó của người đứng đầu các tổ chức, đơn vị phải thực hiện theo đúng quy định.

         Xem chi tiết Nghị định 107/2020/NĐ-CP tại đây.

Thống kê truy cập
377718

Trực tuyến : 3

Hôm nay : 23

Hôm qua : 462